Mới đây, VTV đưa tin, chỉ trong 1 tuần, bệnh viện quận 9, TP.HCM liên tục tiếp nhận trường hợp người trẻ tuổi bị thủng dạ dày. Điều đáng nói, những trường hợp này đều có điểm chung là ăn uống thất thường, thức khuya dẫn đến loét và thủng dạ dày.
Để phòng bệnh đau dạ dày một cách hiệu quả, TS. Nguyễn Thị Lâm, viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo các bậc cha mẹ cần thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, điều độ cho trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cần theo dõi và nhắc nhở việc ăn uống của trẻ, nhất là trẻ dưới 13 tuổi, nhằm tránh dẫn đến loét và thủng dạ dày, gây nguy kịch cho trẻ.
Về lối sống:
Không nên ăn trước khi đi ngủ, nếu đói bụng chỉ nên uống 1 ly sữa ấm có tác dụng xoa dịu, bảo vệ dạ dày. Sữa giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Không nên hoạt động trí óc hay hoạt động thể lực mạnh trong khoảng thời gian 30 phút sau bữa ăn. Vì lúc này, não bộ đang tập trung điều khiển dồn toàn bộ năng lượng cơ thể để thực hiện việc tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả nhất. Nếu trẻ có những hoạt động khác thì cơ thể sẽ “chia sẻ” năng lượng khiến dạ dày hoạt động quá tải, kém hiệu quả, lâu dần gây nên bệnh đau dạ dày.
Cha mẹ cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress cho trẻ. Luôn giữ cho trẻ tâm lý thoải mái, vui vẻ chính là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày nói riêng và các căn bệnh khác nói chung. Bởi căng thẳng, stress, áp lực chính là nguyên nhân làm tăng sản sinh axit dạ dày và tiêu hóa chậm, gây rối loạn dạ dày, lâu dần gây nên chứng bệnh đau dạ dày và rất nhiều chứng bệnh khác.
Chú ý giữ ấm vùng bụng cho trẻ. Vùng bụng sau khi bị lạnh sẽ khiến chức năng dạ dày kém đi. Vì vậy, người bị bệnh dạ dày càng nên chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng bụng, đừng để nhiễm lạnh.
Về cách ăn:
Cần đảm bảo ăn uống vệ sinh, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín, uống sôi nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm dạ dày.
Nhắc nhở trẻ thực hiện việc ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng hoạt động cho dạ dày. Hạn chế tối đa việc ăn nhanh, nuốt vội, vừa ăn vừa làm việc. Hãy cố gắng thư giãn trong bữa ăn để dạ dày hoạt động hiệu quả giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Ăn uống điều độ, đúng giờ và định lượng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, lợi cho tiêu hóa. Cha mẹ cần lưu ý trẻ ăn đầy đủ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ, không nên để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó, các axit trong dạ dày sẽ tiết ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Không vừa ăn vừa uống, tốt nhất hãy uống 1 cốc nước trước bữa ăn 30 phút để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Sau khi ăn, chỉ nên uống thêm một vài ngụm nước nhỏ.
Những thực phẩm nên hạn chế
Ăn ít thực phẩm chiên rán: Các loại đồ ăn này khó tiêu hóa, có thể khiến máu nhiễm mỡ, không tốt cho sức khỏe.
Ăn ít thực phẩm ngâm muối: Trong các thực phẩm ướp nhiều muối cũng làm cho dạ dày “vất vả” hơn trong khâu xử lý. Hơn nữa, chúng còn chứa một số chất gây ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi ăn các loại thức ăn có chứa nitrates và nitrites như thịt hun khói, thịt ướp, cá muối cũng như rau, cà, dưa muối… nên cần hạn chế, không nên ăn.
Hạn chế đồ sống, lạnh: Đồ ăn sống, lạnh có tác dụng kích thích khá mạnh đối với niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là niêm mạc dạ dày nên dễ gây tiêu chảy hoặc viêm dạ dày.
Uống nước đúng cách: Thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng đau dạ dày.
N.Giang