Sự tìm kiếm phổ biến của một quốc gia không nói lên trình độ dân trí mà chỉ đơn thuần thể hiện mối quan tâm và hành vi của người sử dụng Internet. Nhìn vào danh sách trên, có thể thấy, xu hướng tìm kiếm nổi bật năm 2016 của Việt Nam do Google thống kê đa phần thuộc lĩnh vực giải trí (trò chơi điện tử, phim ảnh, ca nhạc, trò chơi truyền hình – game show,...)
Bên cạnh đó, hãy xem danh sách thống kê của nước bạn Singapore và trên toàn thế giới.
Bên cạnh giải thi đấu thể thao, trò chơi điện tử, phim ảnh, một vài từ khóa liên quan đến chính trị - xã hội cũng nằm trong top 10 tìm kiếm nhiều nhất của đảo quốc sư tử.
Nếu chỉ nhìn vào những dữ liệu trên mà cho rằng mối quan tâm của đa số người dùng Internet tại Việt Nam chỉ nghiêng về giải trí, luôn muốn tìm kiếm sự vui vẻ, thư giãn, không quan tâm đến các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội thì chưa thật khách quan. Nhưng khi phân tích một vài số liệu sau đây, ta sẽ thấy được rõ hơn về một thực tế đáng báo động của đa số người dùng internet hiện nay.
Tính đến tháng 7/2013, Việt Nam là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với 16,1 triệu người dùng Ineternet hàng tháng (theo hãng nghiên cứu thị trường comScore). Trong khi đó, Việt Nam có 40% lượng người trực tuyến có độ tuổi từ 15 – 24 (thống kê của eMarketer – hãng nghiên cứu thị trường của Mỹ).
Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường tại TP.HCM, tính đến năm 2014, Việt Nam có 34 triệu người truy cập Internet, chiếm khoảng 36% tổng số dân (khoảng 90 triệu người). Theo Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, con số này tăng lên thành 52% dân số.
Với tốc độ phát triển Internet vô cùng nhanh chóng, sức lan tỏa mạnh, Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 5 trong khu vực châu Á về lượng người dùng Internet với 49 triệu người, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia (số liệu năm 2016 của Tổ chức thống kê số liệu Internet Thế giới – InternetLiveStats)
Ta thấy rằng phần lớn đối tượng sử dụng Internet là người trẻ, vậy nên mối quan tâm chính của họ không phải là lĩnh vực kinh tế - chính trị cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh giải trí thì thể thao, xã hội, giáo dục cũng là những lĩnh vực cần được chú trọng tập trung. Nhưng không, những điều diễn ra hàng ngày lại là sự thật tàn nhẫn “tố cáo” thói quen sử dụng Internet một cách a dua, đáng sợ của người trẻ hiện nay.
Facebook là mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hàng ngày, tin tức được chia sẻ trên thế giới ảo này là một khối lượng khổng lồ. Tuy nhiên, với sự non nớt trong tư duy, có phần lười biếng suy nghĩ, phân tích của một bộ phận (không nhỏ) người trẻ, những thông tin tạp nham, vô bổ lại được chia sẻ rầm rộ với một tốc độ chóng mặt trên Facebook, trái ngược hẳn với những điều bổ ích, thiết thực.
Đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể làm trò cười cho mạng xã hội, họ tìm kiếm và xem theo phong trào. Có những thứ không đáng xem nhưng khi được nhắc đến nhiều, đánh vào tâm lý tò mò của đám đông, lại được nhiều người biết đến, kéo theo đó là tai tiếng nhưng nhiều người vẫn “hồn nhiên” cho là nổi tiếng.
Internet là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng cách sẽ giúp đỡ cho con người rất nhiều, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của công nghệ nếu không tỉnh táo. Tác hại của nó chắc hẳn nhiều người biết, nhưng giới trẻ thì không hẳn.
Làm thế nào để sử dụng Internet một cách thông minh là điều không phải ai cũng ý thức và làm được. Điều đó chủ yếu phụ thuộc vào sự giáo dục của nhà trường, gia đình và trách nhiệm của các cơ quan chức năng về lĩnh vực công nghệ, thông tin. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ở chính giới trẻ - những người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn và quyết định của mình.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả