Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi chiến tranh, Sài Gòn nhiễu nhương buồn phiền."Sức Mấy" cũng là bút danh của một cây bút chuyên viết mục phiếm luận trên nhật báo Hòa Bình. Trước đó, "Sức mấy" là mục phiếm trên nhật báo Chính Luận cũng do cây bút cây bút châm biếm tên tuổi này phụ trách.
Rồi một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ô tô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi ô tô 9 nốt "tính tính tè tè, tè ti tè ti té", tức "Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám" theo một câu hát trong bài Sức mấy mà buồn làm cho đường phố càng náo nhiệt hơn.
Cũng từ bài hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng "xưa rồi Diễm", mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi. Thời các vũ trường mới có mặt ở Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng "Cai gà", gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành "mã tà".
Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: "gác-dang" tức người làm bảo vệ. Do từ tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói "de cái đít" tức lùi xe-arriere. Tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi "tiền boa", sau này này nói nói gọn là "tiền bo".
Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, thì còn hiểu, nói theo từ banque, nhưng sao gọi tem dán bao thư gọi là "con cò", còn nếu gọi "ông cò" là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi "thầy cò" tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur. Thời ấy gọi "cò mồi" là tay môi giới chạy việc, "ăn tiền cò" thì cũng giống như "tiền bo" nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.
Thời kinh tế mới phát triển, cuối những năm năm mươi, sáu mươi thế kỷ trước, đi xe ôtô gọi là đi "xế hộp", đi xe ngựa gọi là đi "ôtô hí". Đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là "xế điếc", đi khiêu vũ gọi là "đi bum", đi tán tỉnh chị em gọi là đi "chim gái", đi ngắm chị em trên phố gọi là "đi nghễ", gọi chỉ vàng là "khoẻn", gọi quần là "quởn", gọi bộ quần áo mới là "đồ dzía" hay "đồ vía". Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là "đi xòe", đi đánh chắn gọi là "múa quạt", đi chơi bài mạt chược các ông gọi là "đi thoa". Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là "đi đầu dầu", tức các chàng trai ăn diện "đi nghễ" với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng coóng, dù trời nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là "hết sẩy", quê mùa chậm chạp gọi là "âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".
Tiền bạc gọi là "địa", có nhiều tiền gọi là "mập địa". Khách gọi là "khứa". Người khách lớn tuổi gọi "khứa lão"… Có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão mập địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền. Tống tiền nhẹ nhàng ai đó thì gọi là "bắt địa". Không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Nợ tiền không trả gọi là "xù tiền". Ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình. Nhóm tiếng lóng này còn có cụm từ "chà đồ nhôm" tức nói lái câu lóng chôm đồ nhà đem bán.
Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão". Có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu" có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách va ly trang phục phấn son đến ngồi café quán cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì "kép chầu" thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để "đau đâu chữa đó". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một ở cạnh các rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi" tức uống café thiếu tiền ghi sổ nợ. Thường thì khách " à la ghi" hầu hết là kép hát và cánh phóng viên.
Lê Văn Sâm
Kỳ 2: Tiếng lóng thời nửa Tây nửa ta