Miền Bắc bước vào ngày rét nhất trong đợt này, khi nhiệt độ tại đồng bằng có nơi xuống 8 độ C. Tình trạng rét buốt duy trì cả ngày lẫn đêm, vùng núi nguy cơ cao có băng giá.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong những ngày qua. Trong đó, chủ yếu là những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em và người già.
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện.
Khoa Khám bệnh - Cấp cứu ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, viêm phổi mạn tính, hen phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các ca đột quỵ cấp cứu cũng tăng đột biến với 15 ca chỉ trong 3 ngày thời tiết chuyển lạnh sâu.
Những bệnh nhân có bệnh nền về tim mạch, huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao. Đặc biệt đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, ghi nhận ca mắc ở độ tuổi 30-40 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Phụ trách đơn nguyên Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cảnh báo, đột quỵ cũng xảy ra ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, người dân cần lưu ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể như chóng mặt, đau đầu, méo miệng, thất ngôn, tê yếu hoặc liệt tay, chân... để đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ có thể nhận biết sớm bằng quy tắc “FAST” như sau:
• Face: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua gương mặt người bệnh. Dựa vào tình trạng mặt bị mất cân đối hoặc một bên miệng bị méo, bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu “cười” để được quan sát rõ hơn.
• Arm: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì bên đó được kết luận bị liệt.
• Speech: Nhận biết sự bất thường trong ngôn ngữ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản nào đó. Nếu giọng nói không được tròn, rõ, không lưu loát hoặc không thể nói được thì đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ.
• Time: Bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu xảy ra cả 3 dấu hiệu kể trên. Người xung quanh cần khẩn trương đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị.
Đối với các bệnh nhân đột quỵ não cần phải vào viện cấp cứu sớm từ 3 giờ đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh – Đây là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Căn cứ vào tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám, đưa ra đánh giá và chỉ định điều trị phù hợp.
Theo các bác sĩ, để phòng chống bệnh tật mùa lạnh, việc giữ ấm cơ thể, tăng đề kháng thông qua ăn uống, sinh hoạt điều độ, tiêm chủng cúm mùa đầy đủ vẫn là những giải pháp được các bác sĩ khuyến cáo.
Đặc biệt, với những người mắc bệnh mãn tính, cần duy trì thuốc đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tái khám sức khỏe định kỳ.
Cách phòng bệnh cho trẻ khi trời rét đậm, rét hại
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, trong những ngày tới, dự báo thời tiết tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại dù ngày có nắng, nhiệt độ thấp nhất từ 7 – 15 độ C.
Vì vậy các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý quan sát những biểu hiện của trẻ, đặc biệt là tình trạng bú của trẻ (trẻ bú ít, bú kém), nhịp thởi, quan sát lồng ngực trẻ... khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Đây cũng là thời điểm dễ bùng phát và lây lan bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi 3-24 tháng gây tiêu chảy và nôn nhiều lần trong ngày, kéo dài nhiều ngày. Trẻ rất dễ bị mất nước và mệt nhiều, vì vậy, việc bù nước cho trẻ là vô cùng quan trọng
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thời tiết thay đổi trong ngày nên cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho con. Sau khi trẻ nô đùa, vã mồ hôi cần lau sạch sẽ, không nên cho trẻ đi ngủ ngay khi người vẫn ướt mồ hô sẽ rất dễ bị lạnh. Phụ huynh nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, tránh nhiễm lạnh. Thời gian tắm cần rút ngắn, không nên quá 15 phút.
DIỆU THU