Ngày 30/3, ông Lê Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, đến thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục bám trụ trên biển để tham gia tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích.
“Hiện nay, khu vực tìm kiếm vẫn còn sóng cao nhưng so với hôm qua thì đã thuận lợi hơn. Theo dự báo, những ngày tới, thời tiết sẽ rất xấu. Vì vậy, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải tìm được các nạn nhân trong thời gian sớm nhất”, ông Tiến nói.
Theo ông Lê Mạnh Tiến, tại vị trí xác định tàu Hải Thành 26 BLC chìm, toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc các đơn vị tàu Trần Đại Nghĩa (888) của Quân chủng Hải quân, tàu Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu Petrolimex 14 cùng với 25 tàu cá của ngư dân và các tàu hàng qua lại khu vực đã được thông báo hàng hải… cùng tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Đến thời điểm này, đội thợ lặn chuyên nghiệp đã được triển khai và đang tiến hành lặn tìm 9 thuyền viên mất tích. Khu vực tàu Hải Thành 26 gặp nạn đang có gió cấp 5 - 6, sóng cao từ 2 - 3m, gây khá nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn, nhưng lực lượng cứu nạn vẫn tích cực tìm kiếm.
“Các lực lượng làm việc cả ngày lẫn đêm. Những lúc sóng nhẹ, thợ lặn xuống nước tiếp cận xác tàu. Tất cả phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thợ lặn, tránh tình huống họ mắc kẹt trong tàu”, ông Tiến chia sẻ.
Các người nhái sẽ lặn vào khoang tàu để tìm những thuyền viên mất tích, đồng thời chụp ảnh các khoang bên trong con tàu bị chìm để phân tích, tìm phương án cứu hộ hợp lý. Trong khi đó, 5 tàu khác sẽ tìm kiếm các nạn nhân nếu trôi dạt trên biển trong phạm vi diện tích khoảng 300 hải lý.
Chín thuyền viên mất tích gồm: Phạm Hữu Thược, máy trưởng; Lương Văn Quỳnh, đại phó; Nguyễn Viết Duy, thủy thủ; Vũ Thế Kiên, sỹ quan máy; Ninh Văn Quỳnh, thợ máy; Lê Văn Ba, thợ máy; Nguyễn Trường Đại, thủy thủ; Mai Văn Dương, thủy thủ; Nguyễn Văn Khuyên, người nấu bếp. |
Nguyễn Nhâm