Ngày 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) nêu thông tin cho biết có “phát hiện một cơ sở may mặc tại quận Long Biên nhập hàng nước ngoài sau đó thay bằng nhãn các thương hiệu Việt”. Thông tin cho biết thêm có 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo, 16 bao quần áo ghi nhãn nước ngoài, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Số hàng trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Trong số lượng hàng thu giữ, số lượng của NEM không nhiều.
Trao đổi với Báo PLVN, sáng 8/11, đại diện NEM cho biết, NEM cũng mới được biết thông tin qua báo chí về việc có một cơ sở sản xuất ở Long Biên bị Cục Quản lý thị trường phát hiện đang gắn mác sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, trong đó có một số ít nhãn mác có tên NEM.
"Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi lại không hề biết đơn vị này. Theo quy định, nếu đúng là đơn vị đó không chứng minh được họ có hoá đơn chứng từ hợp lệ, bản quyền... thì họ đã làm sai", vị đại diện của NEM nhấn mạnh.
Vị đại diện này đồng thời cho biết, NEM cũng được nắm thông tin Cục Quản lý thị trường đang xác minh làm rõ và sẽ liên hệ với doanh nghiệp. "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục để bảo hộ thương hiệu và sẽ có thông tin sau", vị này cho hay.
Hiện, đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và thu giữ thêm tang vật là 4 máy khâu và 49 kg tem nhãn các loại để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
NEM là thương hiệu thời trang khá nổi tiếng trên thị trường với gần 100 cơ sở tại Việt Nam, được thành lập năm 2002.
Đại diện Quản lý thị trường số 17 cho biết, vụ việc này sẽ cần xử lý một cách cẩn trọng, để tránh gây thiệt hại không đáng có tới uy tín các thương hiệu.
Theo Ngọc Anh/Pháp luật Việt Nam