Thời trang NEM: Từ đế chế thời trang công sở đến khoản nợ 111 tỷ đồng

Thời trang NEM: Từ đế chế thời trang công sở đến khoản nợ 111 tỷ đồng

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 10/09/2018 07:55

Hãng thời trang đình đám một thời, gắn với hình ảnh những cô gái thời tiết của VTV, bỗng dưng kinh doanh sa sút, bị ngân hàng rao bán khoản nợ hơn 100 tỷ đồng.

Nợ ngân hàng 111 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) mới đây đã ra thông báo về việc bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của công ty CP Thương mại NEM.

Thông báo cho biết, tính đến ngày 22/8 dư nợ khoản vay của công ty này tại VietinBank là gần 111 tỷ đồng, gồm gần 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi.

Tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Tại thời điểm 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty được ghi nhận là 33,9 tỷ đồng.

Tiêu dùng & Dư luận - Thời trang NEM: Từ đế chế thời trang công sở đến khoản nợ 111 tỷ đồng
"Đế chế" thời trang NEM bị ngân hàng rao bán khoản nợ 111 tỷ đồng

CTCP Thương mại NEM, một bộ phận trong hệ sinh thái của hãng thời trang NEM, có địa chỉ trụ sở chính tại số 156 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Trương Việt Bình, cũng là người sáng lập công ty.

Theo giới thiệu trên website của NEM tại địa chỉ https://nemshop.vn, thời trang NEM là thương hiệu được thành lập từ năm 2002 với định vị ban đầu chuyên thiết kế và sản xuất thời trang cho phái nữ theo phong cách Pháp.

Từ một cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Lược, đến nay hệ thống của NEM đã mở rộng lên 59 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều nhất tại Hà Nội (16 cửa hàng) và TP.HCM (7 cửa hàng) trên các tuyến phố lớn.

Trên trang web chính thức của thương hiệu NEM có gắn tên công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà NEM, số 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.

Công ty hoạt động từ tháng 5/2017 cũng có người đại diện pháp luật là ông Trương Việt Bình, hoạt động chính trong lĩnh vực bán hàng may mặc. An Thành chịu trách nhiệm quản lý các chi nhánh NEM tại các tỉnh như Ninh Bình, Lào Cai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kiên Giang, Huế, Quảng Bình.

Công ty CP Thời trang NEM thành lập tháng 7/2007 cũng dưới tên ông Trương Việt Bình hoạt động đa ngành hơn từ kinh doanh bất động sản, sản xuất giày dép, các sản phẩm từ da, lông thú cho đến bán buôn thiết bị điện tử… Công ty có địa chỉ tại lô đất số C1-1, KCN Đài Tư, phường Sài Đồng, Long Biên, TP.Hà Nội. Công ty quản lý một chi nhánh tại số 51 Phan Bội Châu, Hà Nội.

Liên quan đến ông Trương Việt Bình còn một số doanh nghiệp khác như: công ty TNHH Bình Lý hoạt động từ năm 1997, trụ sở tại số 302 phố Bạch Đằng, Hoàn Kiếm; công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khánh Linh thành lập tháng 5/2017, trụ sở tại tòa nhà NEM, Long Biên; công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thời Trang Bình Anh thành lập tháng 5/2017, trụ sở tại số 195-195A, đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM.

Theo giới thiệu thì hiện mỗi tháng thương hiệu này cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang. Chiến dịch truyền thông của NEM hướng tới tài trợ độc quyền cho giới MC, người mẫu, người nổi tiếng và quảng bá trong nhiều bộ phim, chương trình truyền hình.

Trong đó nổi tiếng nhất là gắn với hình ảnh dàn biên tập viên thời tiết của VTV vì hãng này tài trợ trang phục cho chuyên mục này trong một thời gian dài. Tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động quảng bá của hãng không còn rầm rộ như trước.

Vì sao sa sút?

Báo cáo tài chính của công ty CP Thương mại NEM năm 2016 cho thấy, doanh thu bán hàng đạt 219 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015, tuy nhiên sau trừ đi các khoản mục chi phí hoạt động, công ty này vẫn lỗ 2,7 tỷ đồng. Năm trước đó cũng lỗ gần 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thời điểm kết thúc năm 2016, tổng nợ phải trả của công ty ở mức 534 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu (trên 52 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty là gần 62 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là 296 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của công ty (587 tỷ đồng).

Tình hình kinh doanh sa sút nói trên của NEM được nhận định là do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Về chủ quan, NEM là hãng thời trang thiết kế ra đời khá sớm, vào thời điểm đời sống kinh tế của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, xu hướng chuộng thời trang thiết kế cao cấp trở nên thịnh hành, lấn át xu hướng sử dụng hàng may mặc đại trà như trước đây.

Mặt khác, do đánh vào tâm lý khách hàng chuộng hàng ngoại và hay mặc theo người nổi tiếng, NEM khá thành công khi sử dụng các công cụ quảng bá truyền hình, phim ảnh, người nổi tiếng để truyền đi thông điệp “thời trang phong cách Pháp” của mình. Có thời điểm, hãng này thuê cả một diễn viên truyền hình nổi tiếng về làm quản lý cho mình.

Thành công đó đã khiến hãng liên tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng, chiếm những vị trí đẹp như Hàng Lược, Tràng Tiền, Bà Triệu... và bán được những bộ quần áo, những chiếc váy có giá trị lên tới vài triệu đồng.

Tuy nhiên, việc liên tục cho ra đời số lượng sản phẩm lớn (hơn 500 mẫu/ tháng, ngày nào cũng ra sản phẩm mới) trong khi phong cách ít cải tiến, càng về sau càng có xu hướng già nua, cứng nhắc đã khiến hãng này dần mất khách hàng trước một số đối thủ trong nước ra sau như IVY, Format, Elise,...

Ngoài ra, một năm trước đây, giữa cơn bão thời trang ngoại Zara, H&M đổ bộ Hà Nội, thì NEM càng trở nên thất thế khi mà cả chất lượng lẫn giá cả đều không cạnh tranh nổi.

Mặc dù thời điểm đó, trả lời báo chí, đại diện NEM Fashion bày tỏ quan điểm tự tin rằng họ không hề lo lắng bởi mỗi thương hiệu thời trang đều có phân khúc khách hàng riêng.

Vị đại diện cho rằng có thể các thương hiệu đó đến Việt Nam theo kiểu “đánh trống khua chiêng”, hợp với xu hướng đám đông, thích lạ, sính ngoại của người Việt, còn nếu đặt lên bàn cân, thì họ không lại được so với một số thương hiệu của Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Thời trang NEM: Từ đế chế thời trang công sở đến khoản nợ 111 tỷ đồng (Hình 2).
Một số hãng thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam đe dọa trực tiếp các hãng thời trang nội

Theo phân tích của đại diện này, người tiêu dùng Việt Nam không có xu hướng trung thành với một thương hiệu, họ sẽ tìm đến thương hiệu nào đó khi lựa được sản phẩm ưng ý.

“Nếu nắm bắt tốt được điều này, doanh nghiệp thời trang trong nước vẫn đón được xu hướng và liên tục tung ra các sản phẩm mới”, đại diện này nói.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận, thời điểm các thương hiệu ngoại dồn dập đến Việt Nam cũng là lúc NEM lên kế hoạch “bán mình”. Cuối năm 2017, thông tin NEM đang đàm phán bán lại cho Stripe International Inc, một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản được lan truyền khắp các mặt báo.

Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm đàm phán thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở lớn thứ 2 tại Việt Nam, tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%/năm.

Sau khi mua lại NEM, Stripe International tin tưởng hãng thời trang Việt Nam này có khả năng đạt được kế hoạch doanh thu 26 triệu USD trong năm 2017 (khoảng gần 600 tỷ đồng).

Stripe International Inc là một trong những công ty bán lẻ quần áo thời trang hàng đầu tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1995, với vốn điều lệ 100 triệu yên Nhật.

Tuy nhiên cho đến nay thương vụ trên có thành công hay không, giá trị thương vụ là bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ.

Minh Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.