Tiến sĩ nghệ thuật, "Cải lương chi bảo", làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh..., tất cả đều hội tụ trong Bạch Tuyết - một con người được ông trời ưu ái ban tặng cho quá nhiều tài năng. Nhưng để có được những điều đó như ngày nay, Bạch Tuyết đã phải khổ công học hỏi, tìm kiếm không chỉ ởã trường học mà ở cả trường đời. Và cuối cùng, chị hoan hỉ tiếp nhận tư tưởng thiền đạo để an nhiên một cõi đi về.
Thời vàng son
Châu Đốc là địa danh đầu tiên, nơi con sông Mê-kông hùng vĩ chảy vào đất Việt, đem phù sa vun xới cho ruộng đồng thẳng cánh cò bay của vựa lúa Nam bộ. Đó cũng là nơi đã sinh ra một tài năng hiếm hoi của nghệ thuật cải lương: “Cải lương chi bảo” - NSND Bạch Tuyết. Từ thuở thiếu thời, còn theo học trường làng Khánh Bình (nay thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang), cô bé Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã là một mầm non văn nghệ đầy triển vọng, rất được thầy, cô và bà con trong vùng yêu thích.
Mỗi lần địa phương tổ chức văn nghệ, người ta lại thấy Bạch Tuyết xuất hiện trên sân khấu với giọng ca ngọt ngào và điệu bộ rất người lớn qua các ca khúc Nắng đẹp miền Nam, Làng tôi, Tiếng còi trong sương đêm… Ai cũng nghĩ rồi đây, cô bé Bạch Tuyết sẽ trở thành một ca sĩ lừng danh, làm rạng rỡ cho vùng quê xa xôi này. Trong trái tim Bạch Tuyết, điệu vọng cổ buồn tênh bập bềnh trên sóng nước quê nhà và nghệ thuật cải lương thực sự là tiếng lòng của cô. Tất cả đã trở thành máu thịt, là hơi thở từ thuở mới chào đời, nằm đu đưa trên võng, nghe lời mẹ ru tha thiết.
Bạch Tuyết mồ côi rất sớm. 8 tuổi cô đã mất mẹ. Chính nỗi đau căng đầy nhớ thương này, khiến những lời ru của mẹ những ngày thơ ấu đã theo cô suốt cả cuộc đời. Thế rồi, như là định mệnh, trong một lần tình cờ gặp được thần tượng của mình là nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết đã rất sung sướng khi nghe Thanh Nga nhận xét mình rất có năng khiếu hát cải lương, nếu bỏ qua thì rất uổng. Chính những lời nhận xét này đã khích lệ Bạch Tuyết có đủ ý chí và ước mơ, xây dựng cuộc đời ca hát.
Năm 1960, khi đang theo học bậc trung học tại một trường nội trú, Bạch Tuyết tìm cách làm quen với nhiều nghệ sĩ đã thành danh. Bước ngoặt quan trọng nhất của đời chị là gặp soạn giả Điêu Huyền và may mắn được ông nhận làm con nuôi, cho gia nhập vào gánh hát Kiên Giang. Năm 1961, khi đoàn Kiên Giang diễn vở Lá thắm chỉ hồng, cô đào chính thủ vai cô lái đò có việc riêng đã rời đoàn trước ngày đoàn khai trương hai tuần lễ. Bạch Tuyết được mời thay vai một cách bất ngờ. Vậy mà Bạch Tuyết đã mang lại cho đoàn thành công rực rỡ.
Tài ca hát của cô không những được khán giả tán thưởng nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay liên tục mà còn được toàn thể nghệ sĩ trong đoàn hết sức ngợi khen. Nhưng với Bạch Tuyết, đó không phải là bất ngờ, bởi cô rất tự tin ở khả năng của mình, với sự khổ công âm thầm luyện tập bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào rảnh rỗi. Đó là cơ hội đầu tiên để chị được chứng tỏ mình trên sân khấu. Chỉ sau vở Lá thắm chỉ hồng, Bạch Tuyết được tín nhiệm giao cho vai chính những vở tiếp theo: Kiếp chồng chung, Suối mơ rền áo cưới. Chỉ sau 6 tháng, Bạch Tuyết lập tức được danh ca Út Trà Ôn mời về hợp tác nhân dịp ông cùng nghệ sĩ Hoàng Giang lập đoàn Thống Nhất, được tin tưởng giao đảm trách vai chính trong vở Tiếng hát Muồng Tênh. Chính Bạch Tuyết đã góp phần lớn đưa vở tuồng này trở thành một trong những vở kinh điển của nghệ thuật cải lương thời đó. Tên tuổi của chị bắt đầu nổi lên như cồn.
Chỉ hơn một năm bước lên sân khấu, năm 1963, ở đoàn Thống Nhất Út Trà Ôn, cô đã được trao tặng giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng, với vở Tàn một kiếp hoa của tác giả Trung Nguyên. Hơn một năm sau (1964), cô được mời về đoàn Dạ Lý Hương. Lúc bấy giờ có sự hợp tác của 2 soạn giả bậc thầy Hà Triều, Hoa Phượng, cô lại nhận thêm giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ xuất sắc với vai cô Tần, trong vở Tần nương thất. Năm 1966 là thời điểm vàng son hơn cả của Nguyễn Thị Bạch Tuyết khi nghệ sĩ Hùng Cường cũng về đầu quân cho đoàn Dạ Lý Hương và họ đã trở thành một trong những đôi bạn diễn xuất sắc nhất của sân khấu cải lương. Xưa nay, khán giả vẫn nhắc đến hai nghệ sĩ này với cụm "cặp sóng thần".
Năm 1971, cặp nghệ sĩ lừng danh này đứng ra lập đoàn riêng cho mình, dưới bảng hiệu Bạch Tuyết - Hùng Cường. Họ khai trương gánh hát tại rạp Quốc Thanh với cặp tuồng Trăng thề vườn thúy và Má hồng phận bạc của soạn giả Quy Sắc. Tiếp đến là vở Cho trọn cuộc tình của Yên Ba, và sau đó là Cung thương sầu nguyệt hạ của Quy Sắc - Đức Phú. Đó đều là những tuồng rất ăn khách. Nhưng vào thời điểm này, chiến tranh ngày càng khốc liệt, hơn nữa Bạch Tuyết - Hùng Cường chỉ là nghệ sĩ, không biết quản lý, nên buộc phải dẹp tiệm.
Có một chi tiết vui mà ít người biết đến là trong thời gian tập tuồng Trăng thề vườn thúy, họa sĩ biếm nổi tiếng Chóe - vốn ca vọng cổ rất mùi, có ý trở thành kép hát cải lương. Do có quan hệ quen biết từ trước nên Bạch Tuyết - Hùng Cường sắp cho họa sĩ Chóe một vai. Chóe liên tục đến tập tuồng nhiều buổi, nhưng phần ca thì được, còn phần diễn thì… cứng đơ như trời trồng, thế là bỏ cuộc. Chóe thừa nhận với anh em: "Diễn cải lương khó gấp trăm lần cầm cọ".
Điều đáng quý, đáng nể trọng hơn ở Bạch Tuyết là đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật, các năm 1972 - 1979 - 1985, cô quay trở lại sống đời sinh viên, chịu khó học hỏi bằng tất cả say mê và đã hoàn tất chương trình, lấy được tấm bằng cử nhân Ngữ văn. Năm 1988 là năm "bội thu" của Bạch Tuyết, bởi cô vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn của Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh Sofia-Bulgaria.
Chưa dừng lại đó, từ năm 1990 - 1995, Bạch Tuyết tiếp tục bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ rồi Tiến sĩ (với đề tài Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21) tại Viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc, Viện Hàn Lâm Sân khấu Phim ảnh Bulgaria, trở thành nghệ sĩ cải lương đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có học vị Tiến sĩ (tính đến thời điểm này). Năm 2012, cô xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Như thế, Bạch Tuyết đã thành đạt mỹ mãn trong suốt cuộc đời ca hát của mình.
Tìm thấy hạnh phúc trong sự “tâm đầu ý hợp”
Không chỉ là người có nhiều thuận lợi trong nghề nghiệp, mà ngay cả tình yêu và cuộc sống gia đình, Bạch Tuyết cũng gặp nhiều may mắn. Cho dù đã trải qua hai cuộc hôn nhân "đứt gánh giữa đường" và nay thì lặng lẽ một mình, nhưng Bạch Tuyết vẫn luôn mỉm cười với hạnh phúc.
Cô kể: "Năm 1967, đoàn cải lương Dạ Lý Hương của tôi biểu diễn phục vụ đội tuyển bóng đá miền Nam trước khi lên đường tranh giải Merdeca Đông Nam Á tại Malaysia. Tôi được cử lên gắn huy hiệu và tặng hoa cho đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang, danh thủ bóng đá thời đó và là huấn luyện viên đội cảng Sài Gòn sau này. Từ đó, chúng tôi quen nhau. Sau khi đội tuyển đoạt chức vô địch trở về, Tam Lang thường đến đoàn hát thăm hỏi tôi rồi hẹn hò đi chơi. Sau đó, chúng tôi cưới nhau và chung sống rất hạnh phúc. Nhưng vì mỗi người mỗi công việc khác nhau, đi công tác liên miên nên thời gian gần gũi rất ít. Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi rất mong có được một đứa con, nhưng chờ hoài vẫn không thấy. Thế là đành phải chia tay. Tuy nhiên chúng tôi quý nhau như bạn thân và giữ mãi tình cảm đó cho đến bây giờ.
NSND Bạch Tuyết giữa đời thường
Tôi nghĩ, cuộc chia tay nào mà không đọng lại nỗi buồn, cho dù đó là sự đồng thuận trong vui vẻ của cả hai. Thế nhưng nó cũng có mặt thuận lợi là nhờ đó mà mỗi chúng tôi có thời gian để phát triển nghề nghiệp của mình. Một thời gian sau, tôi may mắn gặp người chồng thứ hai. Đó là anh Ba Đức - một tiến sĩ kinh tế nhân dịp anh từ Pháp về Việt Nam thăm quê nhà. Anh quyết định ở lại Việt Nam để chung sống với tôi. Hai chúng tôi thành vợ, thành chồng và rất tâm đầu ý hợp. Chính nhờ anh Ba Đức mà tôi có nhiều cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Đặc biệt, Tam Lang và Ba Đức có điểm rất giống nhau là hiền lành, ít nói, dù mỗi người đều rất thành công ở một lĩnh vực khác nhau.
Đ.K.Tường