Cách đây vài chục năm, kem Hà Nội nổi tiếng và chỉ thực sự tập trung tại khu vực Hồ Gươm hoặc quanh quanh gần đấy: kem que Bốn mùa, kem cố Thủy Tạ, kem cố Tràng Tiền, kem Long Vân (nay thành hiệu photolab), kem Hòa Bình…
Tứ thời đông vui, ngay cả khi gió rét căm căm người độn dày cộp áo bông, đầu đội mũ biên phòng sụp tận mắt, chân lồng giày quân đội cũ nặng như đeo đá, một tay cắm sâu vào túi quấn trốn rét, nhưng tay kia vẫn cần chắc cây kem mê mẩn liếm láp…
Kem lúc nào cũng bán chạy hơn tôm tươi. Bao nhiêu tạm ứng lương, quà tặng, suất đố vui thắng cuộc, tiền thưởng năng suất, bồi dưỡng ca đêm đều dồn vào hàng kem… T
hậm chí lời tỏ tình cũng mượn nơi hàng kem thổ lộ. Kem lúc ấy làm đơn giản hơn, lượng muối cho vào cũng khá đậm (phần do công thức chế biến cứng nhắc, phần cũng do đường khan hiếm, thậm chí đường đen Cu Ba cũng được huy động vào làm kem mà không đủ).
Chủng loại kem không nhiều, các xí nghiệp kem quốc doanh tập trung vào làm mặt hàng chính là kem que: kem đỗ xanh trộn nhiều bột mì, thân kẻ vạch và lâu chảy nhất; kem xiro lựu đỏ hồng chua chua nhạt nhạt; kem cốm xanh nguyên hạt cơm nếp nhuộm phẩm loang lổ xanh thậm trông rất lạc quan; kem dừa sữa trắng đục mau chảy nhất nhưng mùi vị thật hơn cả vì có cả dừa nạo nhỏ trộn lẫn nên lúc lè lưỡi liếm cứ thấy ram ráp gai gai…
Đôi lúc hiếm hoi được thưởng thức kem cố: một vầng trắng nhờ xinh xắn bồng bềnh trên nước đường đựng trong cốc thủy tinh xanh đục sần sùi, ấy vậy mà khi ngồi ngắm nó cạnh mặt hồ gợn sóng cũng ngỡ mình trên tấm thảm bay của nàng Xêhêrazat trong Ngàn lẻ một đêm, thật quá hạnh phúc và bình dị.
Kem phố độc nhất vô nhị hấp dẫn và ấn tượng đến tỉnh người đích thị là món tê cố: chua chua xôm xốp thơm thơm, cố mà vét bằng hết cái cốc thiếc nhỏ xíu và tê cứng cả lưỡi nhưng chỉ một lát sai lại thòm thèm cái vị chanh tươi quyến rũ ấy giữa trưa hè oi nồng, cái giọng rao thật nhát gừng, thờ ơ: “Tê… cố”.
Quanh quẩn bên những hiệu kem nổi tiếng có rất nhiều các em bé, ông bà già cặm cụi đi lượm que kem bó lại thành trăm, buổi tối còn có thêm các mẹ địu con tranh thủ xối xóc xóc xếp từng bó chằn chặn.
Thời chiến tranh đi sơ tán, xa Hà Nội ai ai cũng nhớ Hồ Gươm và chủ yếu là món đặc sản kem, ngay giữa chiến trường khỏi lửa những người lính lạc quan hẹn nhau ở bờ hồ, hứa đãi nhau chầu kem thật thỏa thích thì thôi…
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiếng tăm của kem Hà Nội đã theo đường tàu Thống Nhất “vô trỏng” và để đáp lễ, ở Hà Nội cũng đã xuất hiện một số loại kem mới nổi trội là kem mút và kem ký. Kem mút phát triển khá nhanh vì giá cả bình dân, mọi nhà có thể làm được miễn là có tủ lạnh.
Người ta chỉ cần pha nước quả hoặc trộn phẩm màu vào nước chanh, rót vào túi nilon đã cắt nhỏ, nhét vào tủ lạnh qua đêm thế là thành kem út.
Những túi mút màu mè len lỏi từ thành phố về nông thôn, trong nhà máy xuống ruộng đồng, bên trường học, qua công viên…
Món kem này đã làm cho các bà dán túi ni lon phát tài nhát. Sang hơn một chút là kem ký Sài Gòn nom như những viên tuyết bông đủ màu nhiều vụ: xoài, sầu riêng, mãng cầu, vú sữa, măng cụt, thơm, tranh trà… bày ra đĩa, lấy thìa xắn từng lát nhỏ nhấm nháp, vừa lạ lẫm vừa thích thú.
Mặc dù nhiều người tò mò muốn nếm thử kem ký nhưng hàng kem nổi tiếng quanh Hồ Gươm vẫn nghìn nghịt nam thanh nữ tú.
Nay sinh hoạt xã hội nhìn chung đang hiện đại hóa nhanh chóng nên nhiều thói quen mới trở thành kiểu cách ấn tượng đời mới.
Lướt qua những quán kem sang trọng, nhạc du dương, bài trí lịch sự mà thấy không ít cốc kem chỉ bị nếm mấy thìa, có cốt chỉ hớt mỗi quả sê ri ở trên còn nguyên vẹn cô đơn chờ hóa nước, lại nghĩ đến những kem quánh bột ngày xưa được nâng niu mút mát đến tròn vo chảy đều hai đầu, cố không để rớt một giọt và luôn luôn luyến tiếc chất ngòn ngọt chia của đường đen, sự rắn chắc của lớp đá mằn mặn chất bọc ngoài, vị mộc mạc khô khan của que kem cũ – que kem đọng lại trong kỉ niệm của người Hà Nội khi màu nắng đến, quanh Bờ Hồ vang vọng tiếng rao: Ai kem nào…
Đỗ Hoàng Linh/HNTV