Liên quan đến câu chuyện ngày 27/3, TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (trú tổ 202, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội Vô ý gây tổn hại sức khỏe của người khác. Phiên xử diễn ra đến 10h00 sáng thì tạm dừng và thông báo mở lại vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, trưa cùng ngày vị chủ tọa đã gọi điện cho luật sư thông báo hoãn phiên tòa.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) có ý kiến, thông thường nếu tòa thông báo nghỉ và chiều tiếp tục làm việc, thì đúng thời gian thông báo buổi chiều HĐXX tiếp tục làm việc. Nếu HĐXX có thay đổi quyết định gì trong giờ nghỉ trưa liên quan đến việc xét xử thì phải thông báo vào đầu giờ chiều.
Khi đó, HĐXX căn cứ vào tài liệu hồ sơ, xét thấy cần phải điều tra bổ sung thêm một số chứng cứ để làm rõ vụ án thì HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa mới là hoàn toàn chính xác về luật. Thế nhưng thay vì làm như bình thường, ông chủ tọa chỉ gọi điện thông báo là thôi, vụ này trả lại hồ sơ hoặc chúng tôi cần điều tra bổ sung một số vấn đề nên chiều nay phiên tòa chúng ta nghỉ không làm việc nữa. Như vậy rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục.
Vấn đề ở đây là HĐXX không phải xét cho luật sư, mà còn những người liên quan khác. Quyền của những người khác như bị can, bị cáo luật sư buộc HĐXX phải tôn trọng.
Đề cập đến câu chuyện trách nhiệm của HĐXX khi để xảy ra vi phạm trong quá trình xét xử, luật sư Ứng cho rằng, trước hết trách nhiệm chung thuộc về HĐXX, bởi vì ông bà chủ tọa không có nghĩa là ông có quyền quyết định trái luật và còn có hai vị hội thẩm ngồi bên. Trong HĐXX thì chủ tọa điều khiển phiên tòa phải chịu trách nhiệm chính. Sau đó phải kể đến trách nhiệm của Kiểm sát viên (KSV). Trách nhiệm của KSV là kiểm sát sự tuân theo pháp luật và anh kiểm sát cả HĐXX khi tham gia tố tụng.
Rõ ràng trong trường hợp này, KSV phải có ý kiến. Nếu để xảy ra vấn đề này thì trách nhiệm của KSV đó là không hoàn thành nhiệm vụ vì anh buông lỏng sự tuân theo pháp luật vì biết HĐXX trái luật mà không ý kiến ngay. Nếu KSV trong trường hợp này có ý kiến ngay thì rõ ràng HĐXX sẽ khắc phục được.Ví dụ rất nhiều trường hợp HĐXX sau khi xét hỏi, trước khi vào nghị án đã không cho bị cáo nói lời sau cùng Thì KSV phát hiện trong trường hợp này kiến nghị ngay HĐXX.
Vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa không không chỉ có nhiệm vụ là giữ quyền công tố mà ông bà KSV còn giám sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX. “Tôi không biết quy định của ngành kiểm sát thế nào nhưng đây là một lỗi nghiêm trọng của KSV. Đây là một khuyết điểm của KSV, nếu mà non kém về nghiệp vụ không phát hiện ra thì có lẽ KSV không nên ngồi phiên tòa để giám sát. HĐXX đã vi phạm khi đưa ra quyết định này nhưng để phát hiện sai phạm thuộc trách nhiệm của KSV cũng bỏ qua nốt”, luật sư Ứng bày tỏ quan điểm.
Nói về trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm luật TTHS, luật sư Ứng cho rằng, HĐXX chịu trách nhiệm xét xử độc lập, Chánh án sẽ không can thiệp vào câu chuyện là ông xét xử cái gì ở đây. HĐXX là hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật mà thôi. Ông Chánh án là người lãnh đạo cơ quan tòa, chứ không phải ông lãnh đạo cái phiên xét xử ấy. Khi các thẩm phán làm sai, bị khiếu nại mà ông ấy bao che không xử lý thì lúc đó ông mới có trách nhiệm trong câu chuyện bao che cán bộ. Câu chuyện đó lại là một câu chuyện khác.
Trao đổi thêm thông tin về vấn đề này, một luật sư tại đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ (xin được giấu tên) cho biết, việc làm của chủ tọa phiên tòa vi phạm quy trình xét xử, hay quy trình công tác, trong xét xử gọi là quy trình tố tụng. Đây là góc độ vi phạm hành chính về hành vi tố tụng. Ông đang là người tiến hành tố tụng, đáng ra ông định hoãn thì đầu giờ chiều ông phải triệu tập phiên tòa thì ông tuyên bố hoãn để trả hồ sơ hoặc để điều tra làm rõ vấn đề. Nhưng phải có lý do, có biên bản quyết định hoãn. “Vấn đề này chỉ có thể xử lý hành chính, có thể là khiển trách nhắc nhở.
Về câu chuyện trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm luật TTHS, vị này cho biết, chánh án có thể khiển trách nhắc nhở hoặc có thể nặng hơn nữa nhưng nó chỉ ở góc độ hành chính. HĐXX là người “to” nhất ở phiên xử, nhưng ông phải làm đúng quy trình, ông phải ra phiên tòa đầu giờ chiều ông tuyên bố và phải có quyết định hoãn phiên tòa.Bị hại và những người có nghĩa vụ liên quan, luật sư có thể khiếu nại quyết định hoãn phiên tòa này bởi vì đây là một quyết định hành chính. Người tiếp nhận khiếu nại là chánh án tòa án nơi chủ tọa phiên tòa đang công tác”, vị luật sư này cho biết thêm.
Vai trò của Kiểm sát viên chưa được nêu cao trong phiên tòa Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Ninh, nguyên Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Đúng quy trình tố tụng, quyết định hoãn phiên tòa phải được HĐXX thảo luận, thông qua theo đa số tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản. HĐXX phải ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp chủ tọa phiên tòa chỉ thông báo hoãn phiên tòa bằng điện rõ ràng là sai quy trình tố tụng. Trong trường hợp khẩn xảy ra có lý do chính đáng thì HĐXX muốn hoãn vẫn phải mở phiên tòa bình thường sau đó mới thông báo hoãn. Trong vụ việc hoãn một cách bất thường này kiểm sát viên giám sát tại phiên tòa phải nắm được lý do vì sao hoãn và thời gian, địa điểm mở lại phiên toà”. |
Phương Sơn