Theo Reuters, giới phân tích cho rằng những chỉ trích của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Hàn Quốc và ông đích thân thị sát tên lửa được bắn đi đến phút cuối hôm giữa tuần làm dấy lên những câu hỏi mới về vai trò của Hàn Quốc trong việc làm trung gian hòa giải với thỏa thuận hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ.
Hôm 25/7, các quan chức Hàn Quốc thông tin rằng Triều Tiên đã bắn hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới. Đây là vụ bắn thử tên lửa đầu tiên kể từ khi ông Kim và ông Trump gặp nhau ở Bàn Môn Điếm ngày 30/6 và đồng ý nối lại đàm phán giải trừ hạt nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện là một trong những nhân vật giữ vai trò chủ chốt nhất trong việc gắn kết với Triều Tiên với hàng loạt sự kiện ý nghĩa như ông có những cuộc gặp gỡ nồng ấm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại các hội nghị thượng đỉnh, tổ chức thế vận hội Mùa đông năm ngoái với sự tham dự của đoàn đại biểu Triều Tiên...
Tuy nhiên, ông Moon Jae-in vẫn không thể thuyết phục được Washington nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên cũng như cho phép tự do hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng không thể thuyết phục ông Kim Jong-un đi tới những bước lớn hơn với việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hôm thứ Sáu, Triều Tiên gọi cuộc thử tên lửa hôm trước đó của nước này là lời cảnh báo tới Hàn Quốc để phản đối việc nhập khẩu vũ khí cũng như tập trận chung.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói thêm rằng thông điệp này còn nhằm cả vào Mỹ. "Ở một mức nào đó, đây là phiên bản tạo áp lực tối đa của Triều Tiên lên Mỹ và Hàn Quốc", bà Jenny Town, nhà phân tích tại trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định.
Giới phân tích cũng cho rằng vụ thử hai tên lửa của Triều Tiên, vốn diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều, còn ẩn chứa nhiều thông điệp hơn thế. Đây dường như còn là cách để Bình Nhưỡng truyền thông điệp cảnh báo và gây sức ép tới Washington trong bất cứ nỗ lực đàm phán tương lai nào.
Vụ phóng tên lửa diễn ra đúng lúc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc để bàn về những biện pháp hợp tác nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Triều Tiên dường như cho rằng chính sách ngoại giao với Mỹ của họ không diễn ra theo cách họ mong muốn. Vì thế, họ phóng tên lửa để xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình", Kim Dae-young, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nhận xét.
"Các động thái này dường như là tín hiệu của ông Kim Jong-un rằng ông hy vọng ông Trump sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt, trước khi Bình Nhưỡng buộc phải tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner nhận định. "Nó như lời tuyên bố rằng nếu không nhượng bộ, Trump sẽ phải đối mặt với ICBM".
Việc mới chỉ phóng tên lửa tầm ngắn cho thấy Bình Nhưỡng vẫn kỳ vọng vào nỗ lực ngoại giao do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của họ. Ông Kim Jong-un thực sự không muốn khiến căng thẳng leo thang quá cao, bởi một vụ phóng tên lửa tầm xa đủ sức vươn tới đất liền Mỹ sẽ khiến chính quyền ông Trump có phản ứng khác hẳn.
Xem thêm >> Hàn Quốc: Triều Tiên phóng hai vật thể bay ra biển