Hội nghị gồm 194 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự đã đồng ý đàm phán về một bản Hiệp ước mới, nhằm đảm bảo rằng mọi quốc gia sẽ phải tuân thủ mọi cam kết mà họ đưa ra. Hiệp ước này muộn nhất sẽ có hiệu lực vào năm 2020.
Hiện tại, chỉ có các nước đã phát triển mới buộc phải cắt giảm lượng khí CO2 theo quy định của Nghị định thư Kyoto 1997. Những cam kết này sẽ hết hạn vào năm tới, song theo Hiệp ước đạt được vào sáng nay , các nước này sẽ gia hạn thêm ít nhất là 5 năm nữa. Đây là một yêu cầu chủ chốt mà các nước đang phát triển đưa ra để bảo vệ Hiệp ước duy nhất về mức khí carbon của thế giới.
Hội nghị đưa ra thỏa thuận Durban Platform trả lời được nhiều vấn đề khúc mắc trong các cuộc đàm phán về khí hậu suốt những năm qua, về việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nền kinh tế trong việc kiểm soát lượng khí carbon, cũng như giúp đỡ những quốc gia nghèo nhất đối phó với sự thay đổi tiêu cực của thiên nhiên
Đại biểu tham dự hội nghị
Thỏa thuận Durban Platform cũng đồng thời thành lập ra những cơ chế để tổng hợp, quản lý và phân phối hàng chục tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi thỏa thuận này là “một bước tiến quan trọng” của thế giới. Thỏa thuận không thúc ép thẳng thừng mọi quốc gia phải đặt ra mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính, dù rằng hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều đã tình nguyện cắt giảm.
Ban đầu, Mỹ tỏ ra chần chừ trong việc ủng hộ gia hạn Nghị định thư Kyoto nhưng đến phút chót, họ đã đồng ý với thỏa thuận Durban Platform
Giới quan sát tin rằng, thỏa thuận này sẽ dọn đường cho một chương mới của chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng Thỏa thuận Durban Platform có nhiều lỗ hổng lớn mà các nước có thể lợi dụng để lách luật. Hơn nữa, thỏa thuận cũng không đề cập đến hình thức trừng phạt.
Tạ Anh (tổng hợp)