Theo Express, chuyên gia của CNN Jeff Wise đưa ra giả thuyết rằng máy bay MH370 bị chiếm quyền kiểm soát và hạ cánh xuống Kazakhstan. Thông tin này được ông đăng tải trong cuốn sách mới xuất bản của ông mang tên “The Taking of MH370”.
Lý giải của chuyên gia này cho hay hệ thống liên lạc vệ tinh của MH370 bị khởi động lại trước khi biến mất. Đây là dấu hiệu cho thấy có người can thiệp và dẫn đến những tính toán sai lệch về vị trí cuối cùng của máy bay.
Ông Wise cho biết ông đã trò chuyện với một cựu điệp viên CIA có tên Robert Baer. Và theo cựu điệp viên Baer, các điệp viên hoàn toàn đủ khả năng can thiệp vào hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh trên máy bay.
Nhưng ông Wise không giải thích máy bay bị đổi hướng đến nơi khác như thế nào, sau khi có người làm giả được tín hiệu vệ tinh.
Từng có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết máy bay bị không tặc. Nhà điều tra độc lập Andre Milne là một ví dụ. Tuy nhiên, theo ông Milne, những kẻ không tặc sử dụng cả máy bay giả, bay qua Maldives rồi hạ cánh trên biển Andaman để nhằm thu hút sự chú ý. Máy bay MH370 thực sự hướng về phía bắc, hạ cánh ở Campuchia, ông Milne nói.
Nhà điều tra Milne nói: “Giả thuyết máy bay hướng đến Diego Garcia là đúng những gì mà những kẻ không tặc muốn mọi người tin vào”. “Họ cho máy bay giả bay thấp, để nhiều người có thể nhìn thấy, tạo nghi vấn giả, sau đó cho máy bay từ từ hạ cánh xuống biển Andaman”, Milne nói.
Cả Milne và chuyên gia Daniel Boyer đều tin rằng MH370 thực sự đã hạ cánh xuống một địa điểm bí mật ở Campuchia.
“Chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu của việc sử dụng máy bay giả để đánh lạc hướng điều tra. Milne nói thông tin MH370 hạ cánh ở Campuchia là thông qua ảnh vệ tinh.... Không thể có chuyện cùng một máy bay lại được nhận diện ở hai vị trí khác nhau trong cùng một thời điểm, chỉ có cách giải thích hợp lý là có máy bay giả được sử dụng nhằm đánh lạc hướng”, ông Milne giải thích.
Tuy nhiên, bên cạnh không tặc, còn nhiều giả thuyết khác khiến máy bay mất tích.
Khi mất tích vào ngày 8/3/2014, bên cạnh 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn, MH370 còn chở theo một loạt hàng hóa trong đó có 5 tấn măng cụt và 221 kg pin lithium-ion.
Theo nhà báo chuyên mảng hàng không tới từ Anh Clive Irving, các chất điện phân trong pin rất dễ cháy ở nhiệt độ cao.
"Một cú lắc pin có thể đã bắt nguồn cho một ngọn lửa trên chiếc Boeing 777-200ER. Ngọn lửa có thể đã vô hiệu hóa hệ thống chữa cháy của máy bay", ông này phân tích.
Ông Irving nói rằng tại các khoang chở hàng trên máy bay thường có một lớp lót đặc biệt để ngăn lửa truyền qua cho tới khi ngọn lửa được dập tắt. Nhưng một đám cháy do pin có thể đủ mạnh để thiêu rụi tấm lót này, cho phép luồng khí tràn vào bên trong làm suy yếu nồng độ khí Halon được sử dụng làm chất chống cháy.
Máy bay Mh370 mất tích vào ngày 8/3/2014 khi đang trên lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 người trên khoang. Khi máy bay biến mất khỏi vệ tinh, các nhà điều tra đã cùng nhau tìm kiếm dữ liệu từ vệ tinh, radar quân sự, hệ thống thông tin liên lạc để tìm ra nơi máy bay gặp nạn.
Tuy nhiên, cho đến nay tung tích máy bay và lý do khiến máy bay mất tích vẫn còn là bí ẩn dù cộng đồng quốc tế đã nỗ lực tìm kiếm máy bay trong suốt nhiều năm với chi phí lớn.
Xem thêm >> Hé lộ giả thuyết manh mối mới vị trí MH370 gặp nạn và lý do máy bay mất tích