Nạn nhân Lotfi Hassan Misto, 56 tuổi, được xác định là người thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở Syria hôm 3/5.
Lotfi Hassan Misto, 56 tuổi, được xác định là nạn nhân trong đợt không kích bằng máy bay không người lái (UAV) Predator của Mỹ vào ngày 3/5. Chiếc MQ-9 Reaper phóng tên lửa Hellfire khiến người đàn ông này thiệt mạng tại chỗ.
Washington Post dẫn lời người thân trong gia đình nạn nhân, nói rằng ông Misto từng là thợ xây dựng, cuối đời là nông dân chăn cừu sống thầm lặng tại một thị trấn ở tây bắc Syria.
Bộ Tư lệnh Trung tâm MỸ (CENTCOM) khi đó thông báo mục tiêu bị tiêu diệt là "thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda". CENTCOM tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng xác thực.
Trả lời trên tờ Washington Post ngày 18/5, hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói có những nghi ngờ bên trong Lầu Năm Góc về danh tính của người thiệt mạng.
"Chúng tôi không còn tin rằng đã tiêu diệt một thủ lĩnh al-Qaeda", một quan chức Mỹ nói. Quan chức còn lại thì đưa ra lời giải thích có chút khác biệt. "Đợt không kích có lẽ đã không tiêu diệt mục tiêu mà chúng tôi muốn nhắm tới, nhưng người thiệt mạng vẫn có thể có liên hệ với al-Qaeda".
Michael Lawhorn, phát ngôn viên CENTCOM, xác nhận cơ quan này đã biết về khả năng không kích nhầm dân thường và đang tiếp tục đánh giá.
"CENTCOM coi đây là sự việc nghiêm trọng và đang điều tra để xác định liệu dân thường thiệt mạng là do cố ý hay vô ý", ông Lawhorn ngày 18/5 nói.
Vị trí không kích nằm cách không xa căn nhà của nạn nhân ở tây bắc Syria.
Thông thường, Lầu Năm Góc sẽ mở cuộc điều tra nếu có đủ bằng chứng đáng tin cậy. Điều này đặt ra tính xác thực của thông tin dẫn đến mệnh lệnh không kích mục tiêu.
Năm ngoái, đối mặt với cáo buộc quân đội Mỹ đã che đậy các trường hợp không kích nhầm vô tội, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ nỗ lực giảm thiểu sai lầm và cam kết công khai minh bạch nếu phát hiện sai sót.
Trong sứ mệnh rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ từng thông báo không kích tiêu diệt một kẻ đánh bom tự sát. Nhưng những gì xảy ra thực tế là 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng, bao gồm 7 trẻ em.
Tờ Washington Post đã cung cấp thông tin về nạn nhân Misto do 4 chuyên gia chống khủng bố am hiểu về cách các chiến binh thánh chiến liên lạc và thảo luận trên mạng. Cả 4 đều nói rằng, không có dấu hiệu cho thấy nạn nhân Misto có liên hệ với khủng bố.
Khu vực xảy ra không kích cũng là địa bàn hoạt động của một nhóm đối địch đã tách ra khỏi tổ chức al-Qaeda vài năm trước, theo Washington Post.
Đăng Nguyễn - Washington Post