Ngày 5/4, thông tin từ UBND thị trấn Lai Vung, (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) xác nhận, hiện người dân hiếu kỳ không còn tụ tập tại khu vực khóm 3, thị trấn Lai Vung để xem cây còng “phun nước” vào ban đêm.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó khóm 3 (thị trấn Lai Vung) cho biết, sau khi báo phản ánh và ngành chức năng địa phương tuyên truyền, người dân hiếu kỳ đã thông suốt nên họ không còn kéo đến xem cây còng “phun nước” như những ngày qua.
Trước đó, báo Người Đưa Tin phản ánh, vào thời điểm chiều tối đến 23h mỗi ngày, hàng trăm người dân hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem cây còng có khả năng “phun nước” vào ban đêm.
Theo người dân địa phương, hiện tượng cây còng “phun nước” có từ hơn 10 ngày qua. Ban đầu, một số người dân chạy xe máy ngang qua tán cây còng vào lúc chiều tối thì phát hiện có nước rơi trên đầu họ. Phát hiện có nước rơi trên đầu, những người này cứ nghĩ do các hộ dân lân cận phun sương bằng hệ thống tự động quên tắt nên họ dừng lại thông báo.
Tuy nhiên, người dân địa phương không ai dùng hệ thống phun sương. Sau đó, mọi người ra kiểm tra thì phát hiện có hiện tượng lạ, có lớp sương mỏng rơi từ cây còng xuống đất. Từ đó, người dân bắt đầu đồn thổi và lượng người hiếu kỳ kéo đến xem cây còng “phun nước” ngày một đông.
Qua tìm hiểu được biết, cây còng có khả năng “phun nước” nêu trên là của anh Nguyễn Minh Tâm (ngụ khóm 3, thị trấn Lai Vung). Cây còng này trên 30 năm tuổi, cao khoảng 10m, tán rộng, mọc cạnh bờ sông và đang trong giai đoạn trổ bông.
Lý giải về việc cây còng có khả năng “phun nước” với báo Người Đưa Tin, GS.TS Lê Văn Hòa cho biết: “Qua quan sát thực tế thì đây là hiện tượng bình thường. Hiện tượng này có thể xảy ra vào ban ngày nhưng chúng ta không nhận thấy bởi vào ban ngày, nhiệt độ tăng cao nên nước bốc thoát. Còn ban đêm, nhiệt độ xuống thấp làm cho hơi nước đọng lại và rơi xuống khiến cho bà con trông thấy hiện tượng giống như mưa”.
Cũng theo GS.TS Lê Văn Hòa, đặc biệt là giai đoạn cây còng trổ bông, đòi hỏi nhu cầu nước cung cấp cho bông cao hơn bình thường nên lượng nước tỏa đi nhiều so với các cây khác. Khi đêm về nhiệt độ xuống thấp, dẫn đến việc cây hút nước không bốc thoát ra bên ngoài mà đọng lại, đây gọi là hiện tượng ứ giọt.
“Cây hút nước từ rễ và bốc thoát, còn trong trường hợp này, cây không bốc thoát được nên xảy ra hiện tượng nêu trên. Đây chỉ là hiện tượng bình thường nên giải thích cho bà con hiểu, chứ không phải là chuyện lạ”, GS.TS Lê Văn Hòa nói.