Theo thông tin từ ICTnews, kế hoạch sửa cáp quang biển AAG đã được lên lịch trình từ trước do tuyến cáp quang biển AAG (Asia - America Gateway) được xác định gặp sự cố do "lỗi dò nguồn" trên phân đoạn S1H tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 125 km.
Trung tâm điều hành tuyến cáp vào thời điểm đó đã lên kế hoạch về thời gian xử lý, khắc phục sự cố với dự kiến vào 7h sáng ngày 29/8 tàu sửa cáp sẽ đến vị trí cáp lỗi.
Dự tính dự kiến cho việc sửa chữa sự cố sẽ kết thúc vào ngày 3/9 tuy nhiên do việc tàu sửa cáp đến vị trí cáp lỗi bị chậm hơn kế hoạch ban đầu khiến mối hàn đầu tiên phải tới 6h ngày 2/9 mới được thực hiện khiến quá trình sửa chữa bị chậm và khả năng phải lùi thêm 8 ngày nữa kéo dài tổng thời gian dự kiến lên tới 12 ngày (khoảng 23h ngày 11/9).
Được biết, sự cố cáp quang biển AAG khiến đường truyền internet đi quốc tế của người dùng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng phần nào do chất lượng đường truyền bị giảm đi.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, kể từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway – AAG được đưa vào vận hành chính thức.
Với tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây, tuyến cáp biển này có các điểm cập bờ là Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Currimao (Philippines), South Lantau (Hongkong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)…
Tại Việt Nam, AAG cập bờ ở Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Từ khi đi vào hoạt động, mặc dù là một trong những tuyến cáp biển chiếm tỷ trọng dung lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế khá lớn nhưng cáp quang biển AAG có tần suất gặp sự cố hoặc phải sửa chữa, bảo dưỡng khá dày.
Trong bối cảnh AAG (Asia America Gateway) - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua liên tục gặp sự cố, hồi cuối năm 2016, tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) chính thức vận hành đã được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG.
Trước đó, ông Vũ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - bộ TT&TT đã trả lời Vietnamnet rằng, để đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam thì việc thiết lập nhiều hướng quốc tế khác nhau, có phương án dự phòng là việc làm cần thiết.
Minh Anh (Tổng hợp)