Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Km1522, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum) vào chiều 30/6 khiến 4 người tử vong, 12 người bị thương phải đưa đi cấp cứu.
Vào khoảng 16h cùng ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông trên, trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Kon Tum nhận được thông tin trong số các nạn nhân tử vong, có 1 bệnh nhân nhiễm HIV.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, đơn vị đã tiến hành rà soát báo cáo của bệnh viện Đa khoa tỉnh về danh sách bệnh nhân HIV điều trị ngoại trú, cập nhật thông tin từ phần mềm báo cáo INFO 3.0 và báo cáo xác minh của trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).
Qua xác minh, bệnh nhân Trần Thị M., 51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi là bệnh nhân nhiễm HIV được nhắc tới.
Chiều 2/7, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho hay, sau khi xác minh, phía Trung tâm đã cử cán bộ trực chiến và triển khai tất cả các nội dung liên quan tới HIV. Đồng thời, các cán bộ của trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cũng hướng dẫn trung tâm Y tế huyện Đăk Hà xử lý nạn nhân tử vong nhiễm HIV, trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi hướng dẫn gia đình người bị nhiễm HIV tiến hành mai táng, ma chay nạn nhân theo đúng quy định của bộ Y tế đã ban hành đối với các trường hợp phơi nhiễm HIV tử vong.
Bên cạnh đó, vào lúc 8h ngày 2/7, trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức thăm hỏi gia đình người nhiễm HIV và hỗ trợ mai táng theo quy định nguồn kinh phí của quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS năm 2017.
Trước đó, ngày 30/6, trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng kế hoạch tham gia hỗ trợ công tác tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV cho trung tâm Y tế huyện Đăk Hà.
Bà Thúy thông tin thêm, từ 16h – 18h ngày 30/6, phía Trung tâm đã phân công 2 nhân viên trực phòng xét nghiệm HIV chờ đón người đến tư vấn phơi nhiễm và thực hiện lấy mẫu nhưng đến 19h cùng ngày không thấy có người đến tư vấn, lấy mẫu. Phía trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS nhận thông tin từ lãnh đạo trung tâm Y tế huyện Đăk Hà có yêu cầu 8h ngày 1/7 cử nhân viên trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ trực tiếp tại trung tâm Y tế huyện Đăk Hà với các nội dung:
Thứ nhất, thông qua Quyết định 120/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Thứ hai, tư vấn vấn đề phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và ngoài nghề nghiệp.
Thứ ba, hướng dẫn Trung tâm lập biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo Phụ lục 1 Quyết định 120/2008/QĐ-TTg và Công văn đề nghị cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Thứ tư, tiến hành xét nghiệm HIV cho 17 cán bộ nhân viên y tế và 6 người dân tham gia hỗ trợ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn (vào 8h ngày 2/7, phát sinh 1 trường hợp người dân tham gia hỗ trợ nạn nhân bị phơi nhiễm với HIV. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tiến hành xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV). Tính đến 11h ngày 2/7, có tổng số 24 người bị phơi nhiễm với HIV được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, 17/17 trường hợp có kết quả HIV âm tính. Trung tâm tiến hành lưu tất cả các mẫu máu để gửi xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật Elysa theo quy định.
Thứ năm, cấp phát thuốc miễn phí và bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc dự phòng trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV cho 24 trường hợp trên (Quyết định 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS).
Thứ sáu, tiến hành thực hiện tư vấn cho 24 trường hợp được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau 3 tháng, 6 tháng.
“Chúng tôi cũng đưa ra kiến nghị, các đơn vị liên quan trong tỉnh tiếp tục phối hợp với trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để hoàn thành các thủ tục cho người bị phơi nhiễm được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Đề nghị cục Phòng, chống HIV/AIDS (bộ Y tế) bổ sung nguồn thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm cho trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm nguồn thuốc được cung ứng đầy đủ kịp thời cho người bị phơi nhiễm.
Đề xuất sở Y tế tỉnh Kon Tum thực hiện khen thưởng đối với trường hợp lái xe Lê Văn Tùng, sinh năm 1989, trú tại thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã có tinh thần trách nhiệm cao trong tham gia cấp cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông, trong đó có bệnh nhân nhiễm HIV”, bà Thúy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cũng cho biết, các y, bác sĩ bị nghi phơi nhiễm HIV là những người làm trong ngành nên ai cũng hiểu tương đối kỹ về căn bệnh này và trước mắt đã được xét nghiệm, cấp thuốc dự phòng nên không ai hoang mang hay lo lắng gì.
Những người dân bị nghi phơi nhiễm HIV cũng đã được phát thuốc điều trị nên cũng yên tâm hơn.
“Chúng tôi sẽ phối hợp cùng trung tâm Phòng, chống HIV của tỉnh làm chương trình truyền thông về những nội dung liên quan tới HIV để bà con hiểu hơn về căn bệnh này”, ông Hà nhấn mạnh.
Trước đó, như thông tin đã đưa, khoảng 12h ngày 30/6, tại Km1522 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã xảy ra tai nạn giao thông giữa xe ô tô khách BKS 82B-002.45 do Phan Anh Tài (SN 1988, thường trú P.22, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, tạm trú tại P.Lê Lợi, TP.Kon Tum) điều khiển chạy hướng Đà Nẵng đi Kon Tum với xe ô tô BKS 82B-002.23 do Đỗ Trọng Tuấn (SN 1987, trú tại P.Quang Trung, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển lưu thông hướng ngược lại. Hậu quả, vụ tai nạn làm 4 người tử vong, 12 người bị thương.
Nguyễn Huệ