Ngày 24/9, Công an tỉnh Bắc Giang thông tin, Công an huyện Lục Ngạn đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ vụ vụ việc người phụ nữ dùng chân đạp vào người 1 cháu bé bị đăng tải lên mạng xã hội Facebook để xử lý theo quy định.
Trước đó, vào khoảng 13h30 ngày 22/9, Công an huyện Lục Ngạn phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải nội dung, hình ảnh và video một người phụ nữ dùng chân đạp vào người 1 cháu bé.
Sau khi phát hiện nội dung trên mạng xã hội, Công an huyện Lục Ngạn đã tiến hành xác minh, xác định người phụ nữ trong đoạn video là chị B.T.N. (29 tuổi, trú tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và cháu bé trong đoạn video là T.T.V (sinh tháng 7/2019 là con ruột của chị N.). Xác minh ban đầu vụ việc xảy ra vào khoảng 19h ngày 20/6.
Theo chị N. trình bày, nguyên nhân xảy ra sự việc là do áp lực gia đình, bản thân chị N. phải nuôi 2 con nhỏ, chồng đi xuất khẩu lao động và có biểu hiện trầm cảm sau sinh khi cháu V. làm thất lạc đồ đạc trong nhà, quấy khóc nên chị N. không kiềm chế được đã đẩy ngã và dẫm đạp vào người cháu V. dẫn đến cháu V bị gãy xương đùi phải.
Ngay khi sự việc xảy ra chị N. đã đưa cháu V. đến cơ sở y tế điều trị. Đến nay, cháu V. đã bình phục, đi học và sinh hoạt lại bình thường.
Chia sẻ trên Zing, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích trẻ em chơi đùa là chuyện bình thường, diễn ra hầu hết ở các gia đình. Bậc phụ huynh phải kiềm chế và có phương pháp giải quyết tâm lý khi trẻ tinh nghịch.
"Không nên có hành vi nóng nảy, thiếu kiểm soát như người phụ nữ ở Bắc Giang, bởi hậu quả có thể khiến trẻ tổn thương", luật sư nhấn mạnh.
Theo dõi hình ảnh từ camera ghi lại sự việc, luật sư Khuyên đánh giá bé trai còn rất nhỏ và không nhận thức được sự việc. Trong trường hợp này, người mẹ cần nhận thức rằng với sức nặng của cơ thể người lớn và với lực dẫm lên người của một người lớn, thì đứa trẻ có thể mang nhiều thương tích nguy hiểm.
Luật sư cho rằng nếu đủ căn cứ, chị N. có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Theo luật sư, gia đình và cơ quan chức năng cần tiến hành các hoạt động cần thiết để bảo vệ cháu bé.
"Cần giám định tỷ lệ thương tích đối với nạn nhân, kết quả giám định là căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ hành vi của người mẹ, từ đó làm căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật", luật sư Khuyên nhìn nhận và khuyến cáo vụ việc trên là bài học đắt giá cho những bậc làm cha mẹ khi ứng xử, giáo dục con trẻ.
Còn theo luật sư Trương Công Đức (Đoàn luật sư Hà Nội), bạo hành trẻ em là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định bạo lực trẻ em gồm các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ.
Luật sư Đức cho biết người bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, khi có đủ căn cứ cho rằng người đó cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện cho bị hại.
Còn trong trường hợp không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, thì có thể bị phạt tiền 5-8 triệu đồng, theo Điểm a Khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trong vụ việc trên, luật sư cho rằng cơ quan công an cần điều tra làm rõ nguyên nhân, động cơ dẫn đến việc làm của chị N. Có thông tin cho rằng người mẹ bị trầm cảm, vấn đề này cần được làm rõ.
T.M (tổng hợp)