Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hạnh, Tổ trưởng giám sát tìm kiếm kho vàng núi Tàu, cho biết chiều 7.10 đã có buổi làm việc với cụ Trần Văn Tiệp (98 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các cộng sự để lập biên bản ghi nhớ và cam kết theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, cụ Tiệp kiến nghị cho kéo dài thời gian gia hạn 1 năm, thay vì 6 tháng và xin nổ mìn “tép” để bóc tách những tảng đá nhỏ. "Sở đồng ý sẽ kiến nghị tỉnh để cụ Tiệp tiếp tục có thời gian trong vòng một năm kể từ ngày 1/12/2013 đến hết ngày 1/12/2014 nhằm tiếp tục tìm kiếm. Lý do là do thời tiết mùa này là mùa mưa, công việc tìm kiếm trên núi Tàu nan giải do tính chất địa lý phức tạp", ông Hạnh nói.
Cụ Trần Văn Tiệp khảo sát núi Tàu tháng 7/2013.
Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương cho biết, tỉnh đang lấy ý kiến các sở, ngành xem có nên tiếp tục gia hạn cho cụ Tiệp tìm kiếm vàng ở núi Tàu thêm một năm nữa, hay chỉ 6 tháng như đã thông báo hôm 2/10.
'Kho báu chính nằm sâu 45 m'
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, chủ tịch HĐQT Công ty CP nghiên cứu môi trường tia đất và sức khỏe - đại diện cho cụ Tiệp, cho biết ông đã có báo cáo chi tiết gửi Chủ tịch UBND tỉnh và các ban ngành theo yêu cầu của tỉnh. “Qua khảo sát, đã tìm thấy nhiều dấu vết khả nghi trên núi Tàu. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được tài sản quý giá là vàng, bạc, hay đồ cổ”, tiến sĩ Bằng nói. Theo tiến sĩ Bằng, kết quả này thu được qua phương pháp khảo sát “bức xạ từ thứ cấp” trên máy BXT 13 và “đây là phương pháp khoa học và hiện đại nhất hiện nay cho kết quả chính xác”.
Ông Bằng cũng nói sở dĩ cần tới một năm để tiếp tục tìm kiếm là vì tính chất địa lý núi Tàu rất phức tạp, phải cho nổ mìn, “nhưng không phải nổ mìn như khai thác đá mà chỉ nổ mìn bóc tách từng phiến đá nhỏ”. Đáng lưu ý, ông Bằng nói: “Kho báu chính nằm sâu dưới núi 45 m, có đường dẫn vào dài gần 100 m. Tuy nhiên, khối lượng kim loại ít hơn rất nhiều so với con số mà cụ Tiệp đưa ra là 4.000 tấn vàng”. Trước lo ngại việc tìm kiếm có nguy cơ hủy hoại môi trường, ông Bằng khẳng định “không hề ảnh hưởng đến môi trường hay an ninh trật tự tại đây”.
Trong khi đó, cụ Tiệp vẫn “trước sau như một” khẳng định với Thanh Niên có “kho vàng 4.000 tấn” trên núi Tàu. "Sở dĩ chậm lấy được là do cất giấu quá kỹ dưới lớp đá phức tạp. Trong khi phương pháp tìm kiếm của các cộng sự chưa hiện đại nên chưa kịp thời gian. Nếu tỉnh cho phép thăm dò với thời gian một năm nữa nhất định sẽ lấy được vàng”, cụ Tiệp khẳng định.
Theo Tiền Phong