Theo Daily Star, tuần trước, một cuộc tìm kiếm mới chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hàng không Malaysia MH370 đã được khởi động ở rừng Campuchia. Nhưng chỉ sau vài ngày bắt đầu tìm kiếm ở khu vực phía tây bắc Phnom Penh, cả nhóm phải hoãn lại công việc vì một trong 6 thành viên bị thương.
Nhóm tìm kiếm chuyên nghiệp này buộc phải quay về vì những khó khăn khi tìm kiếm trong rừng.
Cả nhóm do chuyên gia Daniel Boyer dẫn đầu dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm và mang theo máy bay không người lái để chụp ảnh hiện trường từ trên cao.
Phi công Boyer chính là người phân tích những bức ảnh chụp từ Google Maps, nghi là nơi máy bay MH370 rơi trong rừng Campuchia.
Phi công Boyer còn chỉ ra logo Malaysia Airlines tại nơi nghi có xác máy bay. Chuyên gia này tin tưởng đây chính là máy bay MH370 mất tích bí ẩn suốt gần 5 năm qua.
“Đây là một bước lùi. Cả nhóm chưa thể đến được nơi nghi vấn vì không có đường, không có hướng nào có thể đi”, phi công chia sẻ.
Nhóm tìm kiếm sử dụng xe địa hình nhưng cũng không tiếp cận được nơi nghi máy bay rơi.
“Nhưng điều đó cũng khẳng định các mảnh vỡ máy bay nếu có thật thì cũng không có cách nào vận chuyển từ đường vào trong rừng. Cách duy nhất là từ trên trời”, ông Boyer chia sẻ.
Máy bay MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người. Nhưng đến 12h14 ngày 8/3/2014 máy bay mất liên lạc khi ở gần đảo Phuket.
Trước đó, giới chức Malaysia tin rằng lời nói cuối cùng được nghe từ máy bay được phi công chính hoặc phi công phụ nói là: “Chúc ngủ ngon Mh370”.
Tiếng “ping” từ không trung cho thấy có thể máy bay tiếp tục bay khoảng vài giờ trước khi hết nhiên liệu.
Các chuyên gia đoán nhiều khả năng vị trí máy bay rơi cách Tây Perch, Úc khoảng 1000 dặm.
Hơn 30 mảnh máy bay thu thập được từ nhiều nơi khắp thế giới nhưng chỉ có 3 mảnh ở Ấn Độ Dương được khẳng định là thuộc MH370.
Một vài mảnh vỡ máy bay gần đây được tìm thấy ở Madagascar. Và nhiều nhà chức trách xác nhận những mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển Madagascar “rất có thể” thuộc về chiếc máy bay mất tích.
5 mảnh vỡ đã được bàn giao cho các quan chức chính phủ tại trụ sở Bộ Giao thông Malaysia vào cuối tháng 11/2018.
Giới chức Malaysia mô tả hầu hết những mảnh vỡ này là mảnh vỡ máy bay, một trong số đó là tấm bảng ở sàn máy bay vẫn có nhãn mác bên trên và "rất có thể thuộc về MH370" - theo tờ West Australian.
Don Thompson, một trong những thành viên của nhóm độc lập điều tra vụ mất tích MH370, đã tìm thấy nhãn mác nhận dạng thực tế của chiếc Boeing 777 với các ký tự WPPS61.
Theo Victor Ianneloo, một thành viên khác của nhóm, Thompson đã có thể xác định số hiệu đầy đủ của nhãn mác là BAC27WPPS61 - giống như mảnh vỡ ở sàn máy bay của chiếc MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraina khi đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur năm 2014.
Một số cư dân địa phương ở Madagascar cho biết, có nhiều mảnh vỡ nữa bị trôi dạt lên bờ, nhưng Malaysia phải đưa ra phần thưởng nếu họ muốn có nhiều thông tin hơn.
Xung quanh nghi vấn địa điểm máy bay MH370 rơi, có nhiều giả thuyết khác nhau. Giáo sư Martin Kristensen - Đại học Aarhaus (Đan Mạch) - tiết lộ rằng, máy bay MH370 có thể bị rơi gần đảo Christmas, bên ngoài khu vực tìm kiếm ở phía tây Australia. Giáo sư Kristensen khẳng định, cơ hội tìm thấy xác máy bay ở đó là “trên 90%” - theo Express.
Trong bài báo mới của mình, giáo sư Kristensen cho biết, đường bay mà các nhà điều tra tính toán là không chính xác và địa điểm máy bay có khả năng rơi xuống là ngoài khơi đảo Christmas, một lãnh thổ của Australia ở Ấn Độ Dương, phía nam đảo Java, Indonesia.
Hồi tháng 7 năm ngoái, các nhà điều tra đã công bố báo cáo dài 495 trang và khẳng định lý do khiến MH370 mất tích vẫn là bí ẩn.