Từng không cho xét nghiệm con
Ngày 22/3, đại diện Trung tâm Y tế quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho biết, 5 người thân bệnh nhân thứ 35 nhiễm Covid-19 vẫn đang được cách ly. Mỗi người được theo dõi, kiểm tra sức khoẻ 2 lần một ngày, được cấp thức ăn, tạo điều kiện sinh hoạt bình thường…
Đồng thời, theo yêu cầu của sở Y tế TP.Đà Nẵng, hiện Trung tâm Y tế quận Hải Châu đang cho xây dựng, sửa chữa, gia cố lại khu cách ly.
Trước đó, 5 người này đã tự ý rời khỏi khu cách ly và được nhân viên y tế phát hiện. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đến nhà, vận động, đưa họ trở lại khu cách ly.
Đến nay, Công an quận Hải Châu và UBND phường Bình Thuận cùng các cơ quan chức năng xác định 5 người này đã bỏ khu cách ly về nhà. Theo chứng cứ hiện trường, camera an ninh, có thể xác định anh S., chồng bệnh nhân thứ 35 đã phá cửa để người thân ra ngoài và về nhà.
Ổ khoá vẫn còn nguyên nhưng có tác động từ bên ngoài khiến bộ phận gắn vào cửa để móc khoá bị bật ra.
Sau sự việc, Công an quận Hải Châu đã cử lực lượng phối hợp cùng Công an phường Bình Thuận, cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại khu cách ly làm việc với anh S. cũng như người thân.
Cũng theo phía Trung tâm Y tế quận Hải Châu, trong quá trình cách ly, cả 5 người này được xét nghiệm, kết quả xác định âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, khi xét nghiệm lần 2, anh S. không cho bác sĩ thực hiện đối với 1 trong 2 người con của anh.
Sự việc 5 người trốn khỏi khu cách ly khiến dư luận bất ngờ. Sau đó, Anh T., em trai của anh S. đăng tải lên facebook cá nhân thông tin không có chuyện phá khoá, không bỏ trốn khỏi khu cách ly mà được bênh viện cho về. Điều này lại khiến cư dân mạng dậy sóng. Theo ghi nhận, đến nay, anh T. đã xoá bỏ thông tin này khỏi trang mạng cá nhân.
Sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Phạm Ngọc Hải, công ty Luật Ami, TP.Đà Nẵng cho rằng, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút Covid-19, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Các hành vi chống đối, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì đều là những hành vi bị nghiêm cấm.
Cụ thể, tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đối tượng còn bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Cũng theo vị luật sư này, trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu các đối tượng thực hiện các hành vi trốn tránh cách ly y tế với lỗi cố ý và chủ đích nhằm cố tình lây lan dịch bệnh cho người khác, làm bùng phát dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Trong thời điểm toàn dân đang phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay thì hành vi trốn tránh cách ly không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện ý thức kém trong công cuộc bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, thích đáng để chấm dứt hành vi vi phạm, ngăn ngừa các trường hợp tương tự phát sinh”, luật sư Hải nói.
Bệnh nhân thứ 35 là nữ nhân viên cửa hàng Điện Máy Xanh. Bệnh nhân này trước đó đã tiếp xúc với 2 du khách người Anh nhiễm Covid-19.
Sau khi bệnh nhân thứ 35 có kết quả dương tính Covid-19, cơ quan y tế đã yêu cầu tất cả những người thân của bệnh nhân này đi cách ly theo quy định. Tất cả những người này đều có kết quả âm tính với Covid-19.