Ngày 18/4, Công an huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng vẫn đang điều tra xác định nguyên nhân vụ hơn 30 học sinh trường Tiểu học Hòa Khương, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang bị ngộ độc khi chơi trò chơi slam.
Cơ quan chức năng đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu đồ chơi. Cạnh đó, nhiều mẫu đồ chơi slime (slam hoặc xà lam) tại trường học lẫn tiệm tạp hóa trước cổng Tiểu học Hòa Khương cũng đã bị thu giữ.
Trong khi đó, hiện vẫn còn gần 10 em đang được chăm sóc ở 2 cơ sở y tế là bệnh viện Đa khoa Hòa Vang và bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Tất cả đều đã ổn định sức khỏe và tinh thần.
Liên quan đến vụ việc, PV Người Đưa Tin Pháp luật cũng đã tiến hành tìm hiểu về loại đồ chơi này ở các tiệm tạp hóa, bách hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Loại đồ chơi đất nặn slam về hình hài như đất sét, công dụng cũng như đất sét nặn. Tuy nhiên, chúng có nhiều màu sắc, dẻo mềm hơn so với đất sét thông thường.
Mỗi gói slam được đóng trong hộp hoặc bao bì nilon với giá từ 5.000 đồng trở lên. Khi sử dụng loại đồ chơi này cần được ngâm nước trước rồi mới nặn, tạo hình.
Có chi tiết đáng chú ý là, theo chủ tiệm tạp hóa tại thôn Hương Lam, xã Hòa Khương - cũng chính là tiệm tạp hóa đã bán đồ chơi cho nhóm học sinh ngộ độc thì họ nhập số hàng này từ một cơ sở lớn ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
Cũng theo vị này, khi sự việc xảy ra gia đình đã rất sốc và liên tục phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề. Trong quá trình này, chủ tiệm tạp hóa nắm được thông tin rằng nhóm trẻ khi mua slam từ tiệm của mình về đã tự pha chế thêm các "phụ gia".
Một số thông tin từ phụ huynh trường Tiểu học Hòa Khương cũng thể hiện, nhiều con em của họ cũng cho biết, có một nhóm bạn đã mua slam từ tạp hóa rồi về pha chế thêm theo công thức học từ mạng xã hội. Khi các em đem ra chơi cùng bạn thì đã gây nên sự việc không đáng có như trên.
"Mình nghe kể có một học sinh lớp lớn mua slam từ tiệm rồi pha chế bán lại cho học sinh khác chơi. Bé pha chế chơi gì đó cũng không rõ nhưng trong nhóm Zalo nhiều phụ huynh khác cũng nghe con cái kể vậy nên chắc là đúng", chị N.T.V (phụ huynh trường Tiểu học Hòa Khương) bày tỏ.
Về vấn đề này, theo Công an huyện Hòa Vang, đơn vị vẫn đang điều tra nên chưa thể khẳng định sớm. Các mẫu vật đồ chơi thu thập sản phẩm nghi gây ngộ độc đã được đi xét nghiệm. Cùng với đó, công an sẽ lấy thông tin từ tất những người liên quan để làm rõ.
“Toàn bộ đồ chơi của tiệm tạp hóa trước cổng trường học đã được thu giữ để phục vụ công tác điều tra. Công an làm việc với chủ tiệm tạp hóa, mở rộng làm việc với nhà phân phối các mặt hàng có trụ sở đóng tại TP.Đà Nẵng...", nguồn tin từ Công an huyện Hòa Vang nói.
Cũng theo nhận định từ cơ quan chức năng này, đây thực tế không phải là loại đồ chơi cấm. Tuy nhiên, đã từng có những vụ việc ảnh hưởng sức khỏe do slam gây ra và nhiều thông tin trên mạng xã hội, báo chí đã cảnh báo.
PV Người Đưa Tin Pháp luật gõ cụm từ tìm kiếm như làm slime, pha chế slime lên các trang mạng xã hội và google đã nhận lại hàng ngàn kết quả đáng lo lắng. Trong đó có nhiều video hướng dẫn làm loại đồ chơi này từ các loại vật liệu như xà phòng, keo, muối, kem đánh răng, nước rửa bát... Rõ ràng, với những chất liệu tẩy rửa pha trộn như trên chắc chắn việc gây hại da tay, gây ngộ độc cho trẻ là điều dễ hiểu.
Trước đó, như Người Đưa Tin Pháp Luật đã phản ánh, sáng 16/4, có hơn 30 học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đồng loạt tức ngực, khó thở, có em buồn nôn.
Sự việc khiến cho các thầy cô giáo lo lắng. Chính quyền xã Hòa Khương sau khi nắm thông tin cũng vào cuộc, tổ chức đưa các em đi cấp cứu tại bệnh viện Hòa Vang.
Với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ nhận định có thể các em bị ngộ độc khí, nhưng chưa rõ là loại khí gì. Một số em bị nặng thì được thuyên chuyển lên tuyến điều trị cao hơn.
Bước đầu, các cơ quan chuyên môn đặt nghi vấn hơn 30 học sinh này gặp sự cố do chơi món đồ chơi có tên slam.
Đây là loại chất dẻo, đất nặn để tạo hình. Trước khi xảy ra sự việc, số học sinh này có chơi đồ chơi. Loại đồ chơi này phát ra một loại mùi được nghi là gây nên hiện tượng nêu trên cho các em.
Chiều cùng ngày (16/4), UBND TP. Đà Nẵng có công văn gửi các ban ngành, yêu cầu quyết liệt thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trước các cổng trường.