Ngày 4/4, thông tin từ UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có kết quả điều tra, xác minh ban đầu vụ san ủi gây thiệt hại 0,72ha cây trồng rừng ngập mặn tại Hà Đồ, xã Quảng Phước (Quảng Điền).
Theo đó, UBND huyện giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền thu thập hồ sơ liên quan và làm việc với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền (BQLDA ĐTXD- chủ đầu tư) và Công ty TNHH 1TV Phú Thành (đơn vị thi công).
Qua làm việc với BQLDA ĐTXD khu vực huyện Quảng Điền và đối chiếu Hồ sơ thiết kế thi công nạo vét gia cố thuỷ đạo sau cống thoát lũ Hà Đồ: BQLDA ĐTXD đã thừa nhận trong quá trình lập hồ sơ Dự án nạo vét và gia cố thủy đạo sau cống thoát lũ kết hợp giao thông Hà Đồ chưa rà soát kỹ hiện trường thi công nên chưa thực hiện thủ tục đền bù liên quan đến diện tích 0,72 ha rừng trồng ngập mặn (gồm 864 cây bần chua trồng từ năm 2018), dẫn đến đã nạo vét gây ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích rừng trồng.
Làm việc với Công ty TNHH MTV Phú Thành, đơn vị thi công thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế và biên bản bàn giao mặt bằng thi công. Tuy nhiên, do áp lực của tiến độ công việc nên trong quá trình thi công, đơn vị đã san ủi, nạo vét và đắp đê khi gặp cây trồng dọc kênh mà không báo cáo cho chủ đầu tư để giải quyết, đã làm ảnh hưởng đến 0,72 ha rừng trồng ngập mặn. Đơn vị đã xin chịu trách nhiệm về hình thức xử lý theo quy định pháp luật và khắc phục lại rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền làm việc với các phòng chuyên môn nghiệp vụ Chi cục Kiểm lâm để rà soát các loại rừng và các quy định pháp luật để xử lý. Kết quả thống nhất: Toàn bộ diện tích rừng trồng 0,72ha đang trong quá trình đầu tư, chăm sóc, trồng dặm (đã nghiệm thu lần 1, lần 2 và đang trồng dặm lần 3), thì phát hiện diện tích rừng ngập mặn bị san ủi.
Đối chiếu Quyết định số 944/QĐ-UBND, ngày 9/5/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng huyện Quảng Điền giai đoạn 2016-2020, toàn bộ diện tích 0,72 ha là cây trồng rừng ngập mặn chưa thành rừng, nằm ngoài qui hoạch 3 loại rừng, nên không xử phạt được theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, chỉ áp dụng quy định Bộ Luật dân sự và các văn bản có liên quan để giải quyết.
Hạt Kiểm lâm Quảng Điền có Công văn đề nghị Chủ dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế (SP-RCC) - Chi cục Kiểm lâm thống kê tổng kinh phí đầu tư trồng, chăm sóc qua các năm, quản lý đã đầu tư trồng rừng tại lô b1: 0,72 ha ở xã Quảng Phước để có cơ sở chứng minh cho việc giải quyết.
Đến nay, chủ dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế (SP-RCC) - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết về tổng giá trị đã thực hiện gần 160 triệu đồng.
Do diện tích 0,72ha rừng này nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng để nạo vét, trong quá trình lập hồ sơ dự án còn thiếu sót trong việc rà soát, đền bù tài sản trên đất (diện tích trồng rừng ngập mặn). Vì vậy, BQLDA ĐTXD khu vực huyện Quảng Điền phải lập hồ sơ đền bù bổ sung 0,72 ha rừng ngập mặn đúng theo quy định.
Đồng thời, kiến nghị Chi cục Kiểm lâm - Chủ dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với UBND huyện Quảng Điền để thống nhất hình thức giải quyết. Đề nghị UBND huyện chủ trì tổ chức buổi làm việc mời các bên liên quan tham gia để giải quyết vụ việc.
Hiện, UBND huyện Quảng Điền đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra các sai phạm nói trên. Đồng thời, đề xuất phương án trồng lại số rừng nói trên tại một địa điểm thích hợp.
Như Người Đưa Tin đã đăng tải, trước đó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được phản ánh về việc nhiều diện tích rừng tại xã Quảng Phước bị nhà thầu thi công dự án Nạo vét và gia cố các thuỷ đạo sau cống thoát lũ kết hợp giao thông huyện Quảng Điền san ủi, làm gãy nhiều cây bần chua 4 năm tuổi.
Theo thống kê, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Phú Thành đã san ủi, vùi lấp khi thi công dự án là 864 cây bần chua được trồng từ năm 2018.
Sự việc được phát hiện, công ty này cũng đã thừa nhận sơ, chịu xử lý theo quy định pháp luật và xin khắc phục tình trạng ban đầu, tiến hành trồng lại rừng tại khu vực đã gây thiệt hại nói trên.
Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, đơn vị thi công sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng trái pháp luật là 40 triệu đồng và và buộc khôi phục tình trạng ban đầu, trồng lại rừng trên diện tích bị thiệt hại.
Lê Kông