Clip: Người dân đi bắt cá ngựa xương vào ban đêm.
Ngày 14/11, đại diện sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết quả rà soát, nắm thông tin thương lái thu mua cá lìm kìm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo chi cục Thủy sản phối hợp với phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, UBND xã Biển Bạch Đông (nơi xuất hiện loài cá lìm kìm và tập trung nhiều thương lái thu mua cá) để lấy mẫu cá gửi cơ quan chuyên môn nhờ xác định tên loài, tên khoa học của loài cá này.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tên loài cá này là loài cá ngựa xương chứ không phải là loài cá lìm kìm như một số thông tin đã đưa tin trong thời gian qua.
Về thông tin thương lái thu mua cá ngựa xương, qua khảo sát thực tế tại địa bàn huyện Thới Bình và rà soát thông tin thêm từ các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 7 cơ sở thu mua cá ngựa xương (huyện Thới Bình 3 cơ sở; huyện Cái Nước 2 cơ sở; huyện Phú Tân 2 cơ sở).
Các cơ sở thu mua cá ngựa xương này đều là người địa phương, còn thương lái thu mua lại của các cơ sở này là người Hải Phòng. Giá thu mua cá ngựa xương đối với cá tươi cỡ từ 50-70 con/kg mua với giá 1,1-1,2 triệu đồng/kg; cỡ từ 80 con trở lên giá 400.000-500.000 đồng/kg; đối với cá phơi khô mua dao động từ 2,5-3,6 triệu đồng/kg tùy theo mỗi vựa.
Theo UBND xã Biển Bạch Đông, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều người đã bỏ việc làm để bắt cá ngựa xương bán, mỗi người trung bình có thể kiếm từ 300.000-700.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, việc thương lái thu mua cá ngựa xương nhằm mục đích gì thì xã vẫn chưa nắm được và đã báo cáo lên UBND huyện Thới Bình.
Trước tình hình trên, sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở phối hợp chặt chẽ với phòng NN&PTNT các huyện, TP.Cà Mau, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến cáo người dân.
Cụ thể, trong quá trình khai thác cá ngựa xương tuyệt đối không được sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và dùng các hình thức khai thác sát hại nguồn lợi thủy sản để khai thác đối tượng này.
Khuyến cáo người dân không nên gây nuôi đối tượng này trong các ao, đìa, vuông nuôi tôm của gia đình vì lợi ích kinh tế trước mắt; đề phòng cảnh giác với các người lạ đến tận hộ gia đình tiếp thị bán con giống để nuôi thương phấm và tuyệt đổi không mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Người dân cần tỉnh táo, thận trọng và tìm hiểu kỹ càng cơ sở, đầu mối thu mua cá ngựa xương, đặc biệt là các thương lái là người nước ngoài để tránh thiệt hại về sau này khi đẩy giá lên quá cao rồi các thương lái không thu mua lại sản phẩm hoặc bị lừa gạt mất tài sản.
Cá ngựa xương có dạng hình thoi dài, bên ngoài cơ thể là lớp vỏ cứng. Mõm dài, hình ống, mặt dưới của mõm có một rãnh chạy theo chiều dọc, phần cuối của mõm hướng lên. Miệng nhỏ nằm ở chóp mõm. Thân và đuôi được che phủ bằng nhiều đốt xương có cạnh bén.
Thân có 23-25 đốt tiết diện lục giác, đuôi có 34-36 đốt tiết diện vuông. Cá có nhiều đường sóng dạng răng cưa chạy theo chiều dọc, ở thân có 7 đường. Tia vi ngắn, không phân nhánh, vi ngực nằm gần điếm cuối của đuôi hơn chóp mõm; vi hậu môn nhỏ, nằm ngang với vi lưng; vi ngực rộng nhưng ngắn, cá không có vi bụng.
Phần trước của thân và đầu có màu xanh xám. Phần sau của thân và vi đuôi có màu xám đen. Các vi khác có màu trắng trong. Môi trường sống của cá ngựa xương chủ yếu sống ở môi trường nước ngọt, lợ. Loài cá này ăn chủ yếu là các loài giáp xác phiêu sinh vật nhỏ.