Người trả giá hơn 32 tỷ cho biển số 51K-888.88 đã bỏ cọc
Vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức các phiên đấu giá biển số xe ôtô. Bên cạnh các trường hợp trúng đấu giá đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, vẫn còn những trường hợp trúng biển số đẹp với giá "khủng" nhưng sau đó bỏ cọc, như biển số 51K-888.88 (Tp.HCM) giá trúng đấu giá là 32,34 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các biển số như 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỷ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỷ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỷ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỷ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỷ đồng), người trúng đấu giá đều bỏ cọc. Các biển số này sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vừa ban hành thông báo mới nhất về việc tổ chức các phiên đấu giá biển số xe. Cụ thể, từ ngày 17/10, công ty này sẽ đưa gần 500 biển số lên sàn đấu. Danh sách biển số được công bố công khai để người dân lựa chọn, tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, nhiều biển số "quen mặt" xuất hiện như 51K-888.88 của Tp.HCM, 30K-567.89 và 30K-555.55 của Hà Nội, 98A-666.66 của Bắc Giang, 36A-999.99 của Thanh Hóa…
Trao đổi với báo Thanh Niên, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam khẳng định việc xử lý đối với người trúng đấu giá biển số xe bỏ cọc phải theo pháp luật, công ty không được tự ý quy định thêm chế tài.
Đây đều là những biển số từng được đấu giá thành công ở phiên đấu giá lần thứ nhất (ngày 15.9) với mức giá "khủng". Trong đó, biển số 51K-888.88 được chốt mức giá hơn 32 tỷ đồng, 30K-567.89 hơn 13 tỷ đồng, 30K-555.55 hơn 14 tỷ đồng, 98A-666.66 hơn 3 tỷ đồng, 36A-999.99 hơn 7,4 tỷ đồng.
Đến nay, các biển số được đưa ra đấu giá lại, đồng nghĩa người trúng đấu giá có thể đã không hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong thời gian quy định, còn gọi là bỏ cọc.
Thời gian gần đây, việc hàng loạt biển số "siêu VIP" đấu giá lại đang nhận được quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này, tránh việc bỏ cọc tùy ý hoặc trả giá vô tội vạ, vừa gây tốn kém vừa lấy đi mất cơ hội trúng đấu giá của người khác.
Đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, quá trình tổ chức đấu giá biển số xe được tuân thủ theo quy chế đấu giá do công ty ban hành.
Quy chế đấu giá xây dựng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ. Trong đó, cả nghị quyết và nghị định đều nêu rõ trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.
Vì vậy, các nội dung trong quy chế đấu giá, bao gồm việc người trúng đấu giá bỏ cọc, đều phải bị xử lý, thực hiện theo pháp luật. Tổ chức đấu giá không được tự ý đưa ra thêm chế tài đối với trường hợp này nếu pháp luật không quy định.
Được biết, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá.
Đồng thời gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Đáng chú ý, sau khi kết thúc phiên đấu giá, biển số 30K-555.55 đã được người trúng đấu giá trú tại Vĩnh Phúc rao bán lại với giá 20 tỷ đồng, theo báo Tiền Phong.
Bộ Tư pháp nói gì về việc nhiều người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số ô tô?
Theo báo Người Lao Động chiều 19/10, tại cuộc họp báo quý III/2023 của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí về việc một số trường hợp trúng đấu giá biển số xe ôtô với mức giá cao nhưng sau đó lại bỏ cọc, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết Nghị quyết 73/2022/QH15 thí điểm đấu giá biển số xe ôtô đã quy định về số tiền đặt trước của người tham gia đấu giá là 40 triệu đồng mỗi biển số.
Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng đã quy định việc người trúng đấu giá không được nhận lại 40 triệu đồng khi bỏ cọc.
Theo bà Hoa, để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản hiện hành có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
Biển số xe ôtô 51K-888.66 ở Tp.HCM trúng đấu giá chỉ 110 triệu đồng
"Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính trong đấu giá", bà Hoa cho hay.
Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cũng cho biết Bộ Tư pháp đang trong quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Trong nhiều nội dung sửa đổi, có việc tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan.
Trúc Chi (t/h)