Đảm bảo 100% học sinh trong độ tuổi đều được khai báo thông tin
Theo kế hoạch tuyển sinh của Tp.HCM, để đảm bảo 100% học sinh trong độ tuổi tuyển sinh ở các cấp học (đối tượng phổ cập) đều được khai báo thông tin đầy đủ tại địa chỉ https://csdl.hcm.edu.vn (gọi chung là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thành phố). Công tác khai báo, rà soát thông tin học sinh phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Thông tin nơi ở hiện tại của học sinh (bao gồm "mối quan hệ với chủ hộ" và thông tin liên quan) xác định qua ứng dụng định danh điện tử (VNEID) của cha, mẹ học sinh hoặc người giám hộ hợp pháp, phải khai báo trong khung thời gian rà soát dữ liệu theo văn bản của Sở GD-ĐT ban hành, đảm bảo hạn chế tối đa hồ sơ giấy.
Trường hợp đặc biệt thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT và quyết định của Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp của TP.Thủ Đức và các quận, huyện (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp), đồng thời phải khai báo trên hệ thống và lưu trữ đầy đủ minh chứng tại Phòng GD-ĐT.

Học sinh Tp,HCM thi tuyển sinh đầu cấp. (Ảnh: Nguyễn Lành)
Phòng GD-ĐT tham mưu UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt dựa trên 3 yếu tố: Phân bố trường lớp tại địa phương, số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh, và thông tin "nơi ở hiện tại" của học sinh từ cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành.
Đồng thời kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số dùng chung của Thành phố để tính toán khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với các trường nằm ở ranh giới giữa các địa phương,
Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại.
Công tác đăng ký tuyển sinh được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn (gọi chung là trang tuyển sinh của Thành phố), thông qua mã định danh của học sinh và tuân thủ theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, thông tin sử dụng trong tuyển sinh đảm bảo trích xuất 100% từ hệ thống CSDL ngành giáo dục Thành phố. Đối với các đơn vị có nhu cầu kết nối dữ liệu theo các hình thức khác, cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về tính bảo mật và an toàn thông tin cho cả hai chiều truyền nhận dữ liệu.
Mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh
Đối tượng tuyển sinh được chia làm 2 dạng đối tượng, trong đó: Đối tượng 1: ưu tiên tuyển sinh cho các trường hợp: Đối với lớp 1: học sinh có "nơi ở hiện tại" thuộc địa bàn và trong độ tuổi quy định. Đối với lớp 6: học sinh có "nơi ở hiện tại" thuộc địa bàn, đã hoàn thành chương trình tiểu học và trong độ tuổi quy định.

Học sinh khối lớp 5 một trường tiểu học sẽ đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên cổng thông tin truyển sinh.
Đối tượng 2: học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế. Đối với đối tượng 2, Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp TP.Thủ Đức, quận, huyện cần ban hành văn bản xác định rõ các đối tượng được ưu tiên xét tuyển, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại. Trong đó, có thể xem xét ưu tiên xét tuyển theo thứ tự các trường hợp đặc thù của mỗi khu vực như: Học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non hoặc tiểu học trên địa bàn, học sinh có cha hoặc mẹ làm việc tại địa bàn (các khu công nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt trên địa bàn). Học sinh có "nơi ở hiện tại" theo VNEID thuộc các khu vực ranh giới giữa các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Học sinh chuyển tỉnh. Học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương.
Mục tiêu ưu tiên này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em và bổ sung nguồn học sinh cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực. Quy định ưu tiên phải được nêu rõ, chi tiết trong Kế hoạch tuyển sinh của từng địa phương, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Các trường hợp không thuộc diện ưu tiên sẽ được xem xét sau cùng, dựa trên chỉ tiêu còn lại của các trường và quyết định của Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp.

Nhiều phụ huynh cho biết "nơi ở hiện tại" giúp phụ huynh đưa đón tiện lợi. (Ảnh: PHCC)
Học sinh thuộc đối tượng 2 phải đảm bảo các điều kiện: đăng ký tuyển sinh trên hệ thống tuyển sinh của Thành phố, đáp ứng các tiêu chí trong Kế hoạch tuyển sinh của địa phương. Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp có thể xét tuyển theo thứ tự các đối tượng và chế độ ưu tiên, đảm bảo tuân thủ Kế hoạch tuyển sinh của địa phương và khung thời gian do Sở GD-ĐT ban hành.
Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp thực hiện công tác phê duyệt kế hoạch tuyển sinh và phân bổ học sinh tại địa phương, trong đó phải tuân thủ theo quy định trong Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố về quy trình tuyển sinh, thời gian đăng ký, phương thức tuyển sinh và các quy định khác có liên quan. Kết quả tuyển sinh được công bố trực tuyến trên trang tuyển sinh của Thành phố, công tác nộp hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến và theo các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Các thông tin của học sinh trên hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục Thành phố (bao gồm "nơi ở hiện tại" và các thông tin khác có ảnh hưởng đến công tác xét tuyển của địa phương) nếu cập nhật sau thời gian rà soát dữ liệu phải tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT và phải hoàn tất trước ngày 1/5/2025; tuyệt đối không thực hiện điều chỉnh thông tin sau thời hạn quy định.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn TP.Thủ Đức khẳng định, quan điểm tuyển sinh của các trường là tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh học sinh, căn cứ trên dữ liệu về "nơi ở hiện tại", từ đó phụ huynh có thể có nhiều thuận lợi khi đăng ký cho con học trường gần nhà, rút ngắn khoảng cách đưa đón các con.