Trong khi thế giới bàng hoàng và tiếc nuối về vụ cháy lịch sử Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4 thì cũng như nhiều sự kiện thời sự nóng khác, vụ hỏa hoạn đã trở thành một cơ hội để nhiều kẻ xấu lợi dụng phát tán những tin tức sai lệch.
Theo BuzzFeed, một tài khoản Twitter đã phát tán một thông tin cho biết hãng tin CNN khẳng định vụ hỏa hoạn liên quan đến khủng bố. Trong khi đó, một tài khoản Twitter tung ra một đoạn tin tức giả của hãng tin Fox News với một câu trích dẫn giả mạo từ một nữ nghị sỹ Hồi giáo, với nội dung "they reap what they sow" (tạm dịch: Gieo nhân nào, gặt quả nấy) - trong khi nữ nghị sỹ này không hề có bất kỳ phát ngôn nào như vậy.
Để thu hút và tạo cảm giác tin tưởng cho người xem, hai tài khoản Twitter trên đã tinh vi lồng ghép các hình ảnh biểu tượng bản tin của CNN và Fox News.
Trên Facebook, một bản tin từ năm 2016 về một âm mưu nổ tung một chiếc ôtô bên ngoài Nhà thờ Đức Bà được dẫn từ một trang web thường xuyên truyền bá thông tin sai lệch về đạo Hồi giáo mang tới cho người xem một cảm giác về "bàn tay" của những người theo đạo Hồi với vụ cháy.
Và trên YouTube, ... điều này cũng xảy ra tương tự, nhưng lần này lại do "sự sai lầm" của thuật toán trang chia sẻ video này.
Khoảnh khắc đám cháy bùng phát trên nóc Nhà thờ Đức Bà ngày hôm qua, đã được các hãng tin tức ghi hình trực tiếp và chia sẻ trên trang YouTube. Điều khác thường là YouTube đã phạm phải một sai lầm đáng tiếc khi chạy bảng thông tin liên tưởng hình ảnh vụ cháy với vụ tấn công khủng bố 11/9 ở thành phố New York.
Bên dưới các luồng phát video trực tiếp từ hãng CBS và những hãng tin khác, người xem đã thấy một bảng thông tin về cuộc tấn công vào ngày 11/9/2001. Hai điều này hoàn toàn không liên quan, và không có dấu hiệu nào cho thấy vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris là kết quả của khủng bố hoặc thậm chí là tội phạm hình sự.
Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, YouTube đã phải thừa nhận sai sót trên và đưa ra lời xin lỗi.
Theo Vietnam+