PV: Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Đức Tồn đã đạo văn của học trò trong cuốn sách của mình, là người trong giới Ngôn ngữ học, ông nghĩ sao về việc này?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Việc ông Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn đã xuất hiện từ rất lâu, từ ngày ông ấy còn là PGS, làm việc tại viện Ngôn ngữ. Bắt nguồn từ một số ý kiến rộ lên ngay ở Viện. Thậm chí, không chỉ trong phạm vi của Viện, thông tin này đã được đăng tải trên báo chí. Nhưng sau đó, mọi việc thế nào lại “chìm xuồng”. Lý do là chứng cứ đưa ra chỉ ở mức vừa phải, chứ không đầy đủ, rõ ràng như gần đây. Và thực tế, các cơ quan hữu quan cũng không quyết tâm làm đến nơi đến chốn.
Mới đây, đột nhiên có ý kiến đưa ra những khảo sát với chứng cứ rõ ràng, không thể bác bỏ được, liên quan đến cuốn sách “Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với các dân tộc khác)” của ông Nguyễn Đức Tồn (vốn là căn cứ để ông Nguyễn Đức Tồn đưa ra xin xét phong GS trước đây), lại có dấu hiệu copy (sao chép) khá nhiều từ luận án Phó Tiến sĩ của Nguyễn Thúy Khanh, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà, luận văn tốt nghiệp của Cao Thị Thu.
Trước cáo buộc đó, ông Tồn đã phản bác rằng, đây là nội dung nằm trong bản luận án (viết bằng tiếng Nga) mà ông ấy bảo vệ ở Liên Xô. Sau đó thì những người này tham khảo và chép lại. Ông Tồn lập luận rằng họ chép của ông thì khi in sách ông có quyền lấy lại (!). Đằng nào cũng là của ông.
Vậy cuốn luận án của ông Tồn ở Liên Xô có nội dung gì và những người kia có chép lại không? Sau khi xác minh (do hội đồng Học hàm ngành Ngôn ngữ học chịu trách nhiệm), thì phần lý thuyết NCS Nguyễn Thúy Khanh có lấy một phần trong cuốn luận án ông Tồn bảo vệ tại Liên Xô.
Tuy nhiên, làm điều này, ông Nguyễn Đức Tồn đã mắc một lỗi lớn: Thầy chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho trò chứ không thể dễ dãi để cho học trò chép nội dung nghiên cứu của mình vào công trình của họ. Hơn nữa, khi đã cho rồi, người ta viết và công bố rồi thì bản quyền lúc đó là của người ta chứ không phải của ông Tồn nữa. Giống như việc tôi cho anh cái nhà thì lúc đó là nhà của anh, không thể lập luận là nhà này vốn là của tôi nên tôi lấy lại.
Quay trở lại vấn đề chính, đối chiếu tiếp, cuốn sách của ông Tồn đã lấy rất nhiều nội dung chính văn trong luận án của Nguyễn Thúy Khanh, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà, luận văn tốt nghiệp của Cao Thị Thu (mà hoàn toàn không liên quan gì đến luận án của ông ấy ở Liên Xô cả). Lỗi này mới là cái đáng nói và thực sự rất nghiêm trọng.
Vậy nên, thông tin về việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn, tôi khẳng định là đúng 100%.
PV: Như ông đã nói thì ông Tồn đã dính nghi án đạo văn từ khi còn là PGS, vậy tại sao ông ấy vẫn được phong GS vào năm 2008?
PGS. TS Phạm Văn Tình: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm lúc đó là một thành viên trong hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã được phân công kiểm tra thư nặc danh tố cáo đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn. Khi đó, ông Tồn cũng đã chuyển bản luận án, bản dịch đến để kiểm tra và đối chiếu, thừa nhận là có chuyện đó. Tuy nhiên, việc đối chiếu trong thời gian quá ngắn (một buổi tối) và chỉ tập trung vào so sánh cuốn sách của ông Tồn với luận án của Nguyễn Thuý Khanh nên không nhìn ra hết vấn đề.
Đồng thời, Hội đồng cũng có cân nhắc, có sự nương nhẹ với cái “tình” là chính, nhất là trong bối cảnh ông Tồn đã qua 7 năm liên tục làm hồ sơ chức danh, lại vừa được viện Khoa học Xã hội Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng viện Ngôn ngữ học. Rõ ràng, việc Hội đồng bỏ qua như vậy thì cũng có trách nhiệm trong việc phong GS cho ông Tồn. Vì dù “nhân văn” đến mấy cũng phải tôn trọng tính khách quan sự thật. Đạo văn lúc nào cũng là đạo văn. Vậy dù có qua “5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa” thì thời gian cũng không thể làm thiên lệch bản chất của vấn đề.
PV: Vậy theo ông, cơ quan chức năng của Nhà nước cần làm gì để tránh những thông tin trái chiều trong dư luận?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Việc này liên quan đến những cơ quan có trách nhiệm, thứ nhất là cơ quan chủ quản của ông Nguyễn Đức Tồn (viện Ngôn ngữ học). Viện phải lên tiếng để bảo vệ cho danh dự của ông này (nếu bị oan), còn nếu không bị oan thì phải xử lý cho dứt điểm.
Rồi sau đó sẽ trình ý kiến lên hội đồng Chức danh ngành Ngôn ngữ, hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước để xử lý.
Hiện trên dư luận thông tin về việc ông Tồn đang bị thả nổi, có rất nhiều ý kiến về ông này nhưng chưa hề có ý kiến của cơ quan chức năng. Việc này rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giới nghiên cứu.
PV: Ông nghĩ sao về nghi án đạo văn này?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Về pháp lý thì đây là sự vi phạm bản quyền. Còn về khía cạnh đạo đức thì ai cũng rõ, đó là việc không trung thực, lập lờ. Tôi có thể khẳng định ông Tồn đã lập lờ có lợi cho mình. Đã đến lúc sự mập lờ ngụy biện đó cần được sáng tỏ.
Chúng tôi – những đồng nghiệp trong ngành Ngôn ngữ học - cũng rất buồn, không thích thú gì cả. Nhưng dù là thế nào, chúng ta cũng không có quyền bỏ qua, cần phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát, minh bạch hoá vấn đề.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: Đà Nẵng: Loay hoay với bãi rác ô nhiễm lớn nhất thành phố