Báo Pháp Luật đưa tin, để giải đáp kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và giải đáp trước khi kỳ họp thứ 9 sắp diễn ra, Bộ Công an khẳng định công tác điều tra, khám phá tội phạm, đặc biệt là đối với những vụ án lớn, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và những vụ án trọng điểm, phức tạp, luôn được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát.
Vì vậy, Bộ thường xuyên chỉ đạo cơ quan điều tra, cơ quan báo chí trong Công an nhân dân liên tục cập nhật, đăng tải kịp thời về nội dung vụ án cũng như tiến độ, kết quả điều tra, xử lý trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Bộ Công an nhấn mạnh chi tiết trong từng vụ án cụ thể, đặc biệt để đảm bảo công tác điều tra khách quan, đúng quy định của pháp luật, làm rõ từng phần hoặc toàn bộ vụ án và việc cung cấp thông tin không ảnh hưởng đến công tác điều tra, Bộ Công an đều chỉ đạo cơ quan điều tra và các đơn vị chức năng kịp thời thông tin để cử tri, báo chí và nhân dân biết, giám sát, hỗ trợ công tác điều tra.
Trong quá trình điều tra các vụ án, nhất là vụ án về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nếu phát hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước địa phương thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, đề nghị xử lý cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, không để các đối tượng lợi dụng phạm tội.
Các vụ án lớn như: Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc ung thư giả, vụ án buôn lậu của Công ty Nhật Cường ở Hà Nội, vụ đường dây làm giả xăng dầu ở Sóc Trăng, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đều đã được cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương đã phản ánh, đăng tải đầy đủ thông tin.
Theo Zing, trong thời gian qua các vụ án lớn đang được dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, liên quan đến vụ Nhật Cường, cuối tháng 1, Bộ Công an đã quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can liên quan vụ án Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị có liên quan.
Đến tháng 5/2019, Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cùng 8 bị can khác về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Huy không có mặt tại nơi cư trú nên công an truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can này.
Trước đó, Bộ công an cũng đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội, để khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án này đang thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trong vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (VN Pharma), đầu tháng 3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 10/2019, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù, Võ Mạnh Cường (người bán thuốc cho Hùng) lĩnh 20 năm tù. 8 bị cáo còn lại nhận mức án 3-12 năm tù. Riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Từ năm 2013 đến tháng 9/2014, Hùng, Cường và đồng phạm đã dùng giấy tờ giả để đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc. Sau đó, các bị cáo làm giả hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet giả chữa bệnh ung thư.
Theo cáo buộc, giá trị lô thuốc khi nhập chỉ 5,3 tỷ nhưng các bị cáo đã nâng khống lên hơn 12 tỷ, qua đó chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng.
Liên quan đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (ngụ tại Sóc Trăng), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 4 vụ án. Trong đó, công an kết thúc điều tra 3 vụ án, đề nghị truy tố 21 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Công an đang điều tra vụ án còn lại với 11 bị can liên quan.
Công an xác định từ năm 2017 đến lúc bị bắt, đường dây này đã pha chế, sản xuất hơn 146 triệu lít xăng giả, tương đương giá trị hàng thật 2.501 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính trên 122 tỷ đồng.
Với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Alibaba, Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố 3 bị can với 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Đồng thời, cảnh sát thu giữ, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng. Bộ Công an cho biết hiện vụ án được tiếp tục điều tra mở rộng.
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba được xác định đã thu gom khoảng 600 ha đất nông nghiệp rồi tự vẽ hơn 50 dự án ma tại một số địa phương để huy động tiền của 6.774 người, chiếm đoạt trên 2.563 tỷ đồng.
Đăng Khoa (t/h)