Hôm nay (14/2), Thông tư 29 có hiệu lực
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu có hiệu lực thi hành từ hôm nay, 14/2.
Ngay từ khi ban hành, ngày 30/12/2024, Thông tư đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi có rất nhiều điểm mới.
Theo Vietnam+, Thông tư 29 quy định cụ thể ba trường hợp không được tổ chức dạy thêm gồm: không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thông tư cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Thông tư 29 được nhiều ý kiến đánh giá là bước đi mạnh mẽ nói không với dạy thêm, học thêm có thu tiền trong trường học, tình trạng giáo viên ép học sinh đi học thêm là điều đã tồn tại hàng chục năm qua, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh khi nhiều trường hợp phụ huynh bị giáo viên ép đăng ký học thêm cho con dưới hình thức tự nguyện.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới là không có dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tinh thần hướng tới của Thông tư 29 là "vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp" và vì sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường trong việc chi trả kinh phí cho giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp, phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh hỗ trợ tài chính cho các nhà trường.
![Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Những nội dung quan trọng nhất- Ảnh 1. Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Những nội dung quan trọng nhất- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/14/thong-tu-29-ve-day-them-hoc-them-bat-dau-co-hieu-luc-tu-hom-nay-1739505369570775990855.png)
Khi thông tư mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh thành thống nhất triển khai đúng quy định, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ảnh minh họa.
Các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm
Thực hiện Thông tư 29, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học trên cả nước đã dừng tổ chức dạy thêm cho học sinh.
Theo Vietnamnet, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.
Trước đó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tạm dừng dạy thêm. Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nam Định sẽ xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, tỉnh này cam kết sẽ tăng cường công tác thông tin, thường xuyên rà soát, nắm bắt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT và quy định về dạy, học thêm.
Tại Hà Tĩnh, hàng loạt trường học đã dừng hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm trước khi Thông tư 29 có hiệu lực. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phổ biến thông tin tới giáo viên, phụ huynh.
Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đang tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định. Các trường phải rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của Thông tư 29. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm. Lãnh đạo tỉnh này cho hay nếu thực hiện đúng theo quy định sẽ đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học
Tương tự Tp.HCM, đại diện Sở GD&ĐT cho hay, quan điểm của Sở là kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh đi học thêm.
UBND Tp.HCM giao Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn, tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Trúc Chi (t/h)