Lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là vấn đề được Bộ trưởng bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan giải trình trước Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng nay 1/3.
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện luật BHYT liên quan đến thông tuyến khám chữa bệnh trong năm 2015-2016 (điểm C khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, Điều 22 luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Quy định của luật BHYT liên quan đến thông tuyến khám chữa bệnh đã có tác động cụ thể, tích cực, đúng với tinh thần và mục tiêu về đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sự đổi mới trong quản lý cung ứng dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý một số thách thức trong vấn đề về tổ chức khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở; về quản lý sử dụng quỹ tại cơ sở khám chữa bệnh; công tác giám định và hệ thống báo cáo; khám chữa bệnh thông tuyến tại một số bệnh viện tư nhân và chuyên khoa...
Từ nhiều vấn đề trong thực tế, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm thông tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) Y học cổ truyền tuyến tỉnh từ năm 2017; Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh mức đóng BHYT để đáp ứng nhu cầu KCB, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, khẳng định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đối với cả người bệnh, các cơ sở y tế và tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển, hoàn thiện chính sách BHYT ở nước ta.
Việc thông tuyến tạo ra nhiều thuận lợi cho người có thẻ BHYT trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT, đặc biệt thuận lợi đối với các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ địa phương này sang địa phương khác hoặc người về hưu thay đổi nơi cư trú; người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển viện; được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạch tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh.
“Tại tất cả các cơ sở y tế tư nhân tuyến huyện đều có số lượng bệnh nhân đến KCB tăng gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, một số bệnh viện tuyến huyện lại giảm số bệnh nhân do chất lượng KCB không tốt (tại Quảng Nam, Bắc Giang…)”, bà Minh cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy định thông tuyến, trong đó, có sự ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến xã; ảnh hưởng đến chất lượng KCB BHYT; một số cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng KCB khi có số lượng lớn bệnh nhân đến KCB.
Năm 2016, số lượt KCB tại tuyến huyện đã tăng 15 triệu lượt so với năm 2015, tương ứng 27,7%. Năm 2016 có khoảng 18 triệu lượt người đi KCB thông tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện, tăng 9,4 triệu lượt người so với năm 2015. Đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân số lượt KCB tăng gấp khoảng 3 lần so với 2015.
Việc gia tăng như vậy dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện. Cơ sở chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng KCB như khám quá nhiều bệnh nhân/bàn khám/ngày; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo đúng quy trình, không đủ thời gian; Sử dụng các nhân viên y tế không có đủ điều kiện pháp lý để cung cấp dịch vụ y tế.
“Một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2015 nhưng trong năm 2016 đã “xin” xuống hạng III, tuyến huyện để được áp dụng quy định thông tuyến; có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở KCB tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc. Có trường hợp trong quý IV/2016 đi KCB 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau”, bà Minh nói.
Tham gia phản biện tại Phiên họp, TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Đây là chính sách thành công nhất của bộ Y tế trong năm 2016”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan và việc thông tuyến diễn ra cùng thời điểm giá dịch vụ y tế tăng nên làm tăng chi quỹ BHYT, làm dư luận xã hội hiểm lầm thông tuyến là nguyên nhân chính.
“Xã yếu kém quá thì ai cũng muốn đến huyện. Do đó, cần đầu tư cho y tế xã, lồng ghép cho mô hình bác sĩ gia đình, để đảm bảo thông tuyến trong thời gian tới thêm bước tiến lớn hơn”, ông Tiên nhấn mạnh và cho rằng, đây là cơ hội để xem xét trách nhiệm của các địa phương.
Lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bộc lộ một số vấn đề bất cập. "Thông tuyến tạo thời cơ cho một số cơ sở y tế đưa ra các hình thức khuyến mại nhằm thu hút bệnh nhân BHYT đến KCB, kể cả việc dùng xe đưa bệnh nhân từ xã 135, vùng sâu vùng xa đón bệnh nhân về bệnh viện tỉnh khám, có quà tặng kèm theo khi đi khám, liệu điều đó có hợp lý không?",TS. Nguyễn Văn Tiên nêu thực trạng.
Nguyên nhân vấn đề này được ông Tiên chỉ rõ “là do lực lượng giám định mỏng, chưa có cơ chế pháp luật cụ thể về giám định BHYT”.
Do đó, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế muốn đạt chất lượng thực sự, TS. Tiên đề nghị “Cần kiến nghị sửa luật BHYT về quy định về giám định BHYT và xử lý các hình thức khuyến mại khi đi KCB theo BHYT”.
Dương Thu (ghi)