Tết đến là lúc nhà nhà, người người gác mọi công việc sang một bên để sum họp cùng nhau, chia sẻ mọi câu chuyện trong một năm đã trải qua và định hướng cho năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, niềm hân hoan đón Tết thì cũng không ít gia đình gặp phải những tình huống chớ trêu, thậm chí, cãi nhau, đòi ly hôn trong những ngày Tết.
Nói chuyện với PV, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An cho biết, sau một dịp lễ Tết thì số lượng cần tư vấn tăng lên rất nhiều. Có những cặp vợ chồng vì lý do “cười ra nước mắt” cũng hờn dỗi nhau cả Tết như: Chồng đi chơi không về, chồng đi nhậu không rủ vợ nên vợ buồn, vợ ăn diện quá khiến chồng khó chịu….
Một câu chuyện mà đến giờ chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An cũng không thể quên được vào đúng đêm mùng một Tết. Khi chị nhận được điện thoại thì đầu dây bên kia tự xưng tên L. khóc nấc trong điện thoại.
“Phải rất lâu sau L. mới bình tĩnh lại và nói với tôi “ngày hôm nay em đã có ý định tự tử nhưng không thành và em không biết có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa không, có nên sống nữa không?”, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An nói.
Cô gái tên L. kể rằng, đêm 30 Tết khi nhà nhà đi đón giao thừa thì cô lầm lũi ở nhà một mình, chồng cô thì đi chơi cùng đồng nghiệp cơ quan, trong số đồng nghiệp ấy có một người L. đang nghi ngờ là “người thứ ba” của chồng. Vì chuyện này mà hai vợ chồng L. đã cãi vã không ít lần, chồng L. liên tục khẳng định không hề có mối quan hệ bên ngoài, chỉ là vợ tưởng tượng ra. Nhưng, L. lại cho rằng linh cảm của mình là đúng và đêm giao thừa cô đã khóc suốt đêm, mặc kệ những lời thanh minh, giải thích của chồng.
“Cô ấy đã liên tục giày vò chồng, L. đã lôi ra đủ thứ chuyện để ép chồng nhận tội, nhưng chồng cô vẫn một mực chối bỏ. Vì thế, ngày mùng một của vợ chồng L. nặng nề, u buồn và L. đã nghĩ đến cái chết để chồng sợ. Cô gọi điện cho bố mẹ đẻ để kể tội chồng. Còn chồng cô cũng im lặng, không nói với vợ bất kỳ câu nào, không đi chơi, chúc Tết ai”, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An nhớ lại.
Ngày Tết mà cặp vợ chồng trẻ đã căng thẳng với nhau vô cùng. L. từ bỏ ý định tử tự vì còn bố mẹ nhưng lại nảy ra ý định ly hôn vì cho rằng không thể sống với người chồng có thói ong bướm. Còn chồng L. cũng đồng ý ly hôn vì không thể chịu được tính đa nghi của vợ. Hai bên cứ giằng co qua lại trong ngày mùng một Tết mà không chịu ai nhường ai.
“Cô ấy kể đến đây tôi mới hỏi “em đã quyết định ly hôn vậy cần tư vấn điều gì”, lúc này, cô ấy lại trầm ngâm rằng “em thật sự không muốn mất anh ấy, em thấy những ngày Tết cả hai đã giày vò khiến nhau đau khổ và cạn kiệt sức lực rồi, em muốn tự giải thoát cảm xúc để làm lại”.
Nghe L. nói tôi biết cô ấy vẫn còn yêu chồng rất nhiều. Tôi bắt đầu giải mã tâm lý cho cô ấy và giúp cô ấy biết mình đang sai ở đâu, phải làm lại như thế nào. Sau một hồi tâm sự, mọi thứ như được vỡ ra, có thể đúng là cô ấy đã tưởng tượng quá, còn chồng vì sợ vợ phá vỡ bầu không khí cơ quan nên mới đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Chỉ cần cô ấy giúp bản thân mình hiểu được điều mình đang cần và giúp chồng thấy được chồng đang vô tâm. Đừng để Tết mất vui khi cả hai không cố hiểu và thông cảm cho nhau”, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An bày tỏ.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An, Tết là lúc mọi người ở bên nhau nhiều hơn nhưng cũng có thể đây là lúc nguy cơ xung đột đến nhiều hơn. Có những cặp vợ chồng không cái Tết nào là không cãi nhau. Những xung đột không đáng có thường xuất phát từ vấn đề giao tiếp, tranh giành đúng sai nên rất dễ khủng hoảng. Vì thế, bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng phải biết cân bằng và tiết chế cảm xúc để cùng nhau đón một cái Tết trọn vẹn.
Mai Thu