Một ngày cuối năm 2023, đi dọc tuyến đường từ trung tâm thị trấn Mường Lát ven theo sông Mã hướng về xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), phóng tầm mắt lên các triền đồi, chúng tôi bắt gặp những đốm trắng nằm rải rác trên nương sắn.
Đó là chính là những bao tải đựng đầy sắn mà bà con dân bản vừa thu hoạch chờ vận chuyển xuống đường. Bên vệ đường, nhiều xe tải lớn, nhỏ đã mở sẵn thùng chờ bốc sắn chở về nhà máy chế biến tinh bột ở huyện Ngọc Lặc và huyện Bá Thước.
Tại nương sắn của gia đình ông Hà Văn Lại (SN 1976), bản Nàng 1, xã Mường Lý có hàng chục người dân đang tập trung lên đồi thu hoạch sắn. Ở đây, dân bản tập trung thu hoạch cho từng hộ gia đình, thu hoạch xong gia đình này rồi mới chuyển sang thu hoạch giúp gia đình khác.
Trên nương sắn, mỗi người một công việc, đàn ông có nhiệm vụ dùng cuốc, thuổng để đào, nhổ sắn; phụ nữ dùng dao đốn sắn ra khỏi gốc rồi gom vào bì tải; đám thanh niên trai tráng có nhiệm vụ khuân vác từng bì sắn chất lên xe ô tô tải đang chờ sẵn dưới chân đồi. Chen lẫn giữa cái giá rét tê tái của miền biên viễn mùa này là tiếng nói cười, hân hoan của bà con dân bản khi vụ thu hoạch sắn được mùa được giá.
Ông Hà Văn Lại vui mừng nói, sau gần 10 năm thực hiện dự án 147 trồng cây xoan không hiệu quả, năm nay gia đình ông chuyển sang trồng sắn, vụ này ông Lại thu hoạch được khoảng 50 tấn sắn tươi, với giá sắn hiện tại, cho thu nhập trên 120 triệu đồng.
Theo ông Lại, so với cây trồng khác thì cây sắn cho thu nhập cao nhất, cây sắn rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có những cây tốt sẽ cho 2 – 3kg củ sắn tươi. Sau khi thu hoạch xong sẽ để đất nghỉ một thời gian, ra Tết Nguyên Đán sẽ tiến hành trồng lại vụ mới, sắn trồng vào tháng 3 thì đến tháng 11 là thu hoạch.
Trên đường quay ra thị trấn Mường Lát, chúng tôi bắt gặp anh Ma Xeo Xanh (1989), bản Xa Lung, xã Mường Lý đang đứng ở ven đường chờ bốc sắn lên chiếc xe ô tô tải đậu gần đó. Anh Xanh cho hay, gia đình có 5 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi, còn lại mấy đứa nhỏ 3-7 tuổi, cuộc sống quanh năm khó khăn, làm không đủ ăn. Vụ sắn năm nay giá cao gần gấp đôi năm trước, với sản lượng ước đạt 15 tấn sắn tươi, cho gia đình thu nhập hơn 30 triệu đồng, đây là số tiền không hề nhỏ với gia đình anh Xanh.
“Nhờ vụ sắn được mùa, được giá, Tết nay gia đình có thêm niềm vui, con trẻ được sắm thêm cái áo, cái quần mới”, anh Xanh phấn khởi nói.
Ông Lê Hữu Chuân – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, huyện Mường Lát cho biết, vụ sắn năm nay, toàn xã trồng được khoảng trên 500ha, sản lượng cho thu hoạch ước đạt 6000 – 7000 tấn. Diện tích trồng sắn được chuyển đổi chủ yếu từ diện tích trồng xoan theo dự án 147 trước đây. Hiện, cây sắn hiện đang cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương đang hướng dẫn bà con trồng xen canh cây luồng, vì sau 3 vụ liên tục, năng suất cây sắn sẽ giảm.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, phía bắc giáp huyện Xốp Bâu; phía tây giáp huyện Viêng Xay (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) với đường biên giới 105,5km; phía Tây Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La (với đường biên 30km); phía Đông giáp huyện Quan Hóa.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 240km, Mường Lát hiện là một trong 73 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua, Mường Lát được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; nhiều chương trình, dự án đã được triển khai ở Mường Lát, song hiệu quả không như mong đợi.
Điển hình là dự án trồng rừng 147 với mục đích chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất để trồng cây xoan phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Người dân được hỗ trợ cây giống miễn phí, Chính phủ hỗ trợ để trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến khi thu hoạch xoan. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, cây xoan còi cọc “không chịu lớn”, bán không ai mua, cho không ai lấy, dự án không đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 22/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2023, huyện Mường Lát đã kêu gọi được một doanh nghiệp nông nghiệp là Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc) vào hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, từ trồng xoan kém hiệu quả sang trồng sắn và bao tiêu sản phẩm.
Nhờ vậy, diện tích trồng sắn trên địa bàn Mường Lát năm nay tăng lên đáng kể, đạt khoảng gần 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại (từ 2,4 – 2,6 triệu đồng/1 tấn), toàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng. Thu nhập từ cây sắn đang góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", huyện Mường Lát lựa chọn cây sắn làm cây sinh kế giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, từ đó yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn để thoát nghèo bền vững.