Sáng 30/5, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Minh Đức, Phó trưởng Ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, BQL đã nộp hơn 14 tỷ đồng tiền công đức của đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) thu được từ đóng góp trực tiếp vào sổ, hòm công đức và quét mã QR code vào ngân sách. Đây là số tiền công đức trong gần 6 tháng kể từ thời điểm BQL tiếp nhận, quản lý.
Tổng 14 tỷ đồng này đã được BQL đền nộp vào ngân sách qua tài khoản của BQL tại Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Xuân để chi cho việc đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích và một phần sử dụng chi thường xuyên cho hoạt động của di tích, xây dựng các tuyến đường nội bộ, bãi xe.
Việc chi, tiêu được thực hiện theo dự toán ngân sách đã được phê duyệt đảm bảo theo Thông tư 04/2023/TT- BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ngoài ra, UBND huyện Nghi Xuân cũng trình các văn bản cần thiết lên UBND tỉnh Hà Tĩnh để được hướng dẫn sử dụng tiền công đức đúng mục đích.
“Số tiền trên được thu từ đóng góp trực tiếp ghi vào sổ công đức, bỏ vào hòm công đức và quét mã QR code… Trung bình, BQL sẽ mở hòm và tổng hợp số tiền công đức mỗi tuần một lần. BQL đã thành lập các tổ nội tự, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ vệ sinh và tổ tiếp nhận với trách nhiệm giám sát, quản lý tiền công đức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Khi kiểm đếm có sự chứng kiến của các phòng, ban cấp huyện, UBND xã, cán bộ thôn tại phòng riêng biệt có lắp camera giám sát”, ông Đức thông tin.
Trước đó, vào ngày 5/1/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND về những vi phạm tại đền Chợ Củi. Kết luận thanh tra chỉ rõ, thời kỳ trước năm 2013, đền Chợ Củi hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý.
Việc thu, chi và quản lý tiền đền công đức chủ yếu giao thủ nhang thực hiện. Do đó, địa phương không quản lý được nguồn thu từ di tích do nhân dân cả nước công đức và sử dụng nguồn kinh phí đó không rõ ràng, minh bạch.
Đến năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi. Ngay sau khi đề án được ban hành, UBND huyện Nghi Xuân đã thành lập lại BQL di tích đền Chợ Củi trực thuộc UBND huyện - là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng.
Tổng số kinh phí mà BQL di tích thu được từ năm 2014 đến năm 2022 là hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu công đức do các gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hoá nộp là 17,9 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra khẳng định: "Ban Quản lý di tích không trực tiếp tham gia giám sát, kiểm kê nguồn thu công đức mà giao hoàn toàn cho gia đình thủ nhang thực hiện nên không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi. Việc này dẫn đến số liệu tài chính kế toán bị phân tán theo nhiều hệ thống sổ sách...".
Liên quan sự việc này, nhiều lãnh đạo, cán bộ UBND huyện Nghi Xuân, xã Xuân Hồng cũng bị xem xét xử lý kỷ luật.
Đến ngày 15/1/2024, BQL dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã tổ chức lễ tiếp nhận quản lý khu di tích văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi. Tính đến thời điểm hiện tại, từ lúc tiếp nhận cho đến nay mới chỉ gần 6 tháng nhưng BQL đã thu được số tiền công đức tại đền Chợ Củi là 14 tỷ đồng một cách công khai, minh bạch.