“Sảy nhà ra thất nghiệp”, các cụ dạy chẳng bao giờ sai! Có ai đã từng ở khách sạn năm sao, trong một thành phố nguy nga, tráng lệ, ăn toàn sơn hào hải vị tại những nơi mà không nhiều người có được cơ hội đó, vậy mà vẫn thèm một bát bún riêu cua, một bữa cơm đạm bạc có “canh rau muống, có cà dầm tương”, có một chút hương vị quê nhà được cảm nhận nơi đất khách quê người không? Tôi nghĩ, chắc chắn là có.
Những người có “bát ăn bát để”, tạm gọi là dư giả, muốn đi tham quan du lịch ra nước ngoài, chắc chắn còn phải nâng lên đặt xuống cái quyết định có đi hay không, bởi chi phí cho một chuyến đi gồm vé máy bay, thuê khách sạn, ăn nhà hàng, vé vào cửa những khu di tích, bảo tàng và các khoản chi tiêu bất chợt, không tên, thì tổng chi phí có thể lên đến dăm bảy ngàn đô-la cho một người. Nghĩ mà xót ruột, lại tặc lưỡi, thôi để dành tiền làm việc khác.
Một góc Boston
Còn những người không có khả năng về tài chính thì đành “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Trước đây, những chuyến đi ra nước ngoài của dân mình chủ yếu dành cho những người có cơ hội tiêu “tiền chùa”, có nghĩa là chuyến đi đó được nhà nước hoặc một tổ chức nước ngoài nào đó đài thọ. Nhưng nay “tiền chùa” thì eo hẹp, nhu cầu đi nước ngoài lại ngày càng tăng.
Các chuyến đi công tác, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý là vô cùng cần thiết, nhưng nếu không được bao cấp mà phải tự chi phí thì sẽ ít người được đi, điều này dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác. Hàng năm có đến 15.000 sinh viên đang du học tại Mỹ, và một con số không nhỏ đang theo học ở các quốc gia khác trên toàn cầu. Nhu cầu đi lại, du lịch, tham quan và thăm người thân ngày càng lớn, vì thế một bài toán được đặt ra là làm sao có thể đi nước ngoài với những mục đích nêu trên, với một chi phí hợp lý nhất có thể được.
Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ (Hội TNSV) nảy sinh ra ý tưởng “ăn nhờ ở đậu” để góp phần tìm ra lời giải cho bài toán nêu trên. “Ăn nhờ ở đậu” là một chuyên mục trên trang thông tin của Hội. Chuyên mục này giới thiệu những người đang làm việc, học tập, sinh sống bất cứ đâu trên nước Mỹ, có khả năng thu xếp chỗ ăn chỗ ở và sẵn lòng tiếp đón người Việt tại Mỹ, từ trong nước sang, hoặc từ các quốc gia khác đến, đi công tác, tham quan, du lịch, thăm gia đình với một chi phí rất nhỏ như: tiền thuê nhà (khoảng 20 đô-la/ngày), tiền điện, tiền nước, tiền gas và Internet. Thay vì phải thuê khách sạn với giá 100-150 đô-la/đêm, ăn nhà hàng và tự mình tìm tòi đường đi lối lại, khách có thể ở trong gia đình của những thành viên trong chuyên mục này.
Chủ nhà sẽ cho khách “ăn nhờ ở đậu” trong thời gian bao nhiêu lâu, điều kiện ở như thế nào (có phòng riêng hay chỉ ngủ ở phòng khách, trên ghế sofa), có làm “hướng dẫn viên du lịch miễn phí” được không, có giúp được bất cứ điều gì cho khách hay không, đều do hai bên thỏa thuận trực tiếp với nhau sau khi đã có địa chỉ email được trao đổi qua chuyên mục “Ăn nhờ ở đậu”. “Lý lịch” của chủ nhà được ghi công khai trên chuyên mục này, có nghĩa là đây là chỗ “ở nhờ” đáng tin cậy. Điều kiện nhà ở và khả năng giúp đỡ của chủ nhà cũng được ghi trong phần lý lịch cá nhân của mỗi thành viên của chuyên mục.
Với những người sang nước Mỹ lần đầu, chưa quen đường xá, thì chủ nhà có thể hướng dẫn cách đi lại bằng kinh nghiệm của “thổ dân”. Thay vì tốn kém không cần thiết khi phải dùng taxi, hướng dẫn cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến và hợp túi tiền không những tiết kiệm cho khách mà còn mang lại những trải nghiệm lý thú cho họ khi đến một địa điểm mới lạ. Với người chỉ quen những món ăn “quốc hồn quốc túy” như đậu phụ chấm mắm tôm, bún ốc Hà Nội, canh dưa cá, và “không chịu thỏa hiệp” với đồ ăn nhanh của McDonald, Burger King, Wendy, thì chủ nhà cũng tạo điều kiện cho khách có thể nấu ăn tại nhà.
Tóm lại, chủ nhà sẽ giúp đỡ ba điều: chỗ ở, chỗ ăn, và hướng dẫn cách thức đi lại ở địa phương nơi khách đến thăm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mức độ giúp đỡ đến đâu, chi phí như thế nào là hoàn toàn do hai bên thỏa thuận trực tiếp sau khi đã liên lạc với nhau thông qua chuyên mục “Ăn nhờ ở đậu” trên trang web sinhvienusa.org của Hội TNSV Việt Nam tại Mỹ. Về phần khách, “lý lịch” cũng phải được công khai trên chuyên mục này. Chủ nhà cần được xác nhận rõ thông tin người đến nhà mình là ai, và có nhân thân rõ ràng và trao đổi cởi mở với chủ nhà sau khi đã liên hệ thông qua chuyên mục “Ăn nhờ ở đậu”.
Chuyên mục “Ăn nhờ ở đậu” sẽ có từng trang cá nhân cho ai tự nguyện làm thành viên. Thông tin cá nhân gồm họ và tên, địa chỉ, nơi công tác, học tập, điều kiện nhà ở, có khả năng đón tiếp, đưa đón, hướng dẫn khách ở mức độ nào, trong bao lâu, trong khoảng thời gian nào. Khách muốn vào chuyên mục này, sau khi tham khảo mọi thông tin chung, cũng cần đưa thông tin cá nhân của mình vào và cũng đề xuất các khả năng mình có thể giúp đỡ người khác. Mỗi trang cá nhân có phần nhận xét của khách đối với chủ.
“Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Chủ nhà sẵn lòng đón khách thì đương nhiên cũng mong đợi được đón tiếp chu đáo, ân cần nếu họ đi làm khách ở nơi khác. Vì thế mỗi thành viên tham gia trong chuyên mục này vừa là chủ, vừa là khách, tùy theo hoàn cảnh cụ thể.
Ý tưởng “ăn nhờ ở đậu” của Hội TNSV tại Mỹ dựa trên trải nghiệm của những ai đã sử dụng trang “Couchsurfing” trên mạng Internet. Đây là một trang kết nối những người du lịch trên toàn cầu. Chỉ cần tiền vé, một chút tiền ăn đường, và một chiếc ba lô, thông qua trang mạng, bạn có thể “ăn nhờ, ở đậu” ở mọi nơi, mọi chốn bạn đặt chân đến. Trước lạ, sau quen, những người trải nghiệm du lịch kiểu này thường trở thành bè bạn. Điều quan trọng nhất là phải có lòng tin với nhau. Để hiểu rõ hơn về “ăn nhờ ở đậu”, các bạn có thể tham khảo trang mạng “Couchsurfing” và tham gia vào chuyên mục “Ăn nhờ ở đậu” của Hội TNSV tại Mỹ.
Minh Phương (Đặc phái viên báo Người đưa tin tại Boston, Hoa Kỳ)