Chọi gà... bói lộc đầu năm
Vượt qua nhiều thú vui dân gian khác cùng thời, đá gà tự hoàn thiện và vươn lên thành một môn nghệ thuật không của riêng ai. Tính phổ biến và đại trà đậm nét dân gian của bộ môn nghệ thuật này cho phép đá gà có mặt trên mọi miền đất nước và trở thành thú vui có một vị trí nhất định trong văn hóa người Việt.
Thậm chí, giai đoạn phong kiến, đá gà có được vị trí hoàng kim của mình khi trở thành thú vui xa hoa, ưa chuộng của vua, chúa. Ghi nhận sự việc này, sách "Linh Kê" viết: "Chọi gà xưa kia là thú chơi của các vua quan, hoặc các công tử nhà giàu...".
Những linh kê của “vua gà” Bảy Thảo.
Không như thời buổi kinh tế thị trường với nhịp sống xô bồ, ồ ạt ngày nay, xa xưa, đá gà đi vào đời sống tinh thần người Việt như một tín ngưỡng. Phần lớn, thú vui đá gà được tổ chức vào các dịp lễ, tết, hội hè. Và, sôi nổi nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Bắt đầu từ tháng chạp cho đến hết tháng giêng từ trong xóm, ngoài làng đều chơi đá gà.
Tuỳ theo cấp độ, quy mô khác nhau mà phong trào chơi đá gà càng trở nên sôi nổi hay lắng dịu. Nhiều cụ cao niên tại các làng gà nổi tiếng miền Nam cho biết: Người xưa rất quý con gà trống và xem nó như một dũng tướng hội đủ vũ (dáng điệu uy nghi), dũng (sự hăng hái không sợ đối thủ khi xung trận), tín (qua tiếng gáy đúng thời điểm), văn (qua dáng vẻ đường hoàng, sạch đẹp).
Thế nên, người xưa cho rằng, con gà gần với loài rồng với sức mạnh vô song. Vì vậy đá gà vào đầu xuân, dịp tết để thể hiện sức mạnh, xua đuổi vận rủi, cầu mong cuộc sống bình yên. Hiện nay, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Nam nước ta vẫn giữ quan niệm đá gà tết để bói lộc đầu năm.
Cũng từ cách hiểu trên, thú vui nuôi và chọi gà đã vươn khắp dải đất hình chữ S. Những ngày giáp tết này, tại những vùng đất nức tiếng về nuôi gà chọi đã nghe tiếng gáy râm ran của những chú gà trống rực rỡ lông cánh mướt như nhung lững thững, oai vệ bước trước hiên nhà.
Như đã thành lệ, một thú vui mang hơi hướng của tín ngưỡng, những ngày này, người dân phía Nam vẫn thường có lệ đá gà dịp tết để vui xuân, bói lộc. Theo đó, đầu năm gà làng mình, xã mình thắng là có lộc, làm ăn sẽ phát đạt. Gà thắng độ được thưởng tiền, thưởng cờ, giấy khen của ban tổ chức.
Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, các gia đình cũng thường tổ chức các cuộc so tài cao thấp giữa gà của những lò luyện khác nhau. Tại những lò luyện này, ngày tết, người ta quên đi sự hơn thua, tiền bạc mà cố công thể hiện nghệ thuật chơi gà chọi của mình.
Ở đó, người xem được thưởng thức những linh kê như những dũng tướng, với những miếng đánh ngoạn mục hòa cùng không khí thượng võ. Đó cũng là dịp các kỳ nhân bật mí những tuyệt kỹ thần dưỡng linh kê của mình.
Bí quyết của những "thần" dưỡng linh kê
Ở các tỉnh miền Tây nổi lên gà An Giang, gà Long An, gà Chợ Lách (Bến Tre), gà Cao Lãnh (Đồng Tháp),... Những địa danh này đã đi vào huyền thoại bởi sản sinh ra những giống gà không chỉ đẹp mà còn cho những miếng đánh đẹp, lạ mắt. Thế nhưng, không phải ai chơi gà cũng thành công, không phải ai luyện gà cũng thành danh thành tiếng.
Khẳng định nhận định này, tay luyện gà tre huyền thoại Ba Cồ (Châu Bô, Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) từng nói: "Chơi gà, luyện gà cũng như nhìn tướng, luyện tướng. Không hiểu được tướng thì không nhìn ra cái dũng, cái văn của tướng và cũng không có cách biến tướng đó thành một tướng văn vũ toàn tài".
Theo đó, huyền thoại Ba Cồ, người từng được xứ dừa biết đến như một tay luyện gà vang khắp Nam kỳ lục tỉnh, người từng khiến tướng "râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ phải "đánh" trực thăng xuống rước gà về đá rất chú trọng đến việc xem xét ngoại hình con gà. Đến nay, kinh nghiệm chọn gà như: Tướng gà đẹp, lông đều, chân vuông, mặt nhỏ, mắt tinh anh,... vẫn được lớp sau nghiêm chỉnh noi theo.
Hơn thế, khi có được gà tốt, Ba Cồ cũng nhất nhất theo nguyên tắc lúc đổ ra bầy đúng bổn phải là toàn gà khét hoặc ô, chân xanh vuông không chọn màu lông, kiểu chân khác. Không chỉ thế, để có được nòi gà hay, huyền thoại Ba Cồ cũng đặc biệt chú ý đến "bạn đời" của những dũng tướng linh kê. Với ông, muốn có gà trống tốt, mái cũng phải hung, lông đều, mặt râu, tư thế đứng hình giọt mưa thì khi đổ bầy mới có nòi hay.
Tuy nhiên, cách huấn luyện của huyền thoại Ba Cồ thì ít ai được bật mí, sánh bằng. Duy chỉ có "Vua gà" Bảy Thảo là người được các tín đồ linh kê nể trọng và tạm xếp ngang với huyền thoại Ba Cồ. Từng là một tay gà quần thảo, làm điêu đứng các trường gà khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, "Vua gà" Mai Hồng Thảo hay giới trong nghề vẫn thường gọi thân thuộc Bảy Thảo như một lò luyện gà chuyên nghiệp, có thương hiệu.
Trước khi trở thành "Vua gà", Bảy Thảo cũng từng theo cha lăn lội trên các trường gà. Tuy nhiên, may mắn hơn người, Bảy Thảo thắng nhiều hơn thua. Cái may mắn trên được "Vua gà" tiết lộ: "Ngoài cách chọn gà, dưỡng gà như những kinh nghiệm của dân gian, tôi còn được thừa hưởng những tinh túy trong môn này từ cha. Một trong số những tuyệt kỹ đó là cách luyện cho con gà có độ gan lỳ, thần thái hơn người. Để làm được như vậy đòi hỏi người chơi phải thực sự dụng công và công phu. Nhiều khi phải có những bí quyết gia truyền bí mật".
Theo kinh nghiệm của những bậc tiền bối, cao thủ đá gà, để gà có một "chiến tướng" dũng mãnh, mỗi ngày các "thần" dưỡng linh kê phải được các huấn luyện viên huấn luyện ròng rã từ lúc mới biết gáy. Và mỗi huấn luyện viên có những triết lý riêng, phương pháp, tuyệt kỹ riêng. Nếu như Ba Cồ chú ý đến tướng, luyện thần thái cho chiến tướng thì "Vua gà" Bảy Thảo luôn tìm cách thao luyện gà trong những cuộc chiến mang tính tập huấn.
Tuy nhiên, phần lớn các huấn luyện viên đều gặp nhau trong việc sử dụng những phương thuốc gia truyền trong khi tập luyện để các linh kê trở nên mình đồng da sắt trước đối thủ. Các phương thuốc trên ngoài phương pháp được sử dụng đại trà như dùng rượu ngâm thuốc tẩm nhiều lần lên da linh kê ở những thời điểm nhất định thì còn lại đều thuộc vào hàng bí truyền.
"Mỗi tay gà để thành danh ngoài dựa trên những phương pháp chăm sóc, huấn luyện cơ bản đều có những phương thuốc bí truyền để tăng sinh lực, sức chịu đòn, độ gan lỳ cho gà của mình", anh Nguyễn Văn Vô, một tay cò gà chuyên nghiệp khẳng định.
Hiện nay, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn duy trì được thú vui tổ chức đá gà dịp tết để bói lộc đầu năm thay cho cách bói bánh, bói hoa ngày tết. Đó cũng là dịp cho các tay gà chuyên nghiệp phô diễn nghệ thuật huấn luyện linh kê nhiều năm ròng chờ xuân bói lộc của mình.
Cần gìn giữ như một nét đẹp của văn hóa riêng Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường: "Người miền Tây Nam Bộ thường tổ chức chọi gà vào mùng 3 Tết Nguyên đán thật ra là một biến tướng từ tín ngưỡng cúng thần hành binh, hành khiến (vị thần của chiến tranh và dịch bệnh) của người xưa với mục đích cầu an, may mắn trong cuộc sống. Qua thời gian, nghi thức trên từ chỗ làm gà để cúng rồi lấy hai cái chân để bói sự hên xui, may rủi trong năm mới trở thành tục cho gà sống giao chiến với nhau. Thế nhưng, hiện nay, đá gà từ một thú vui tao nhã đang dần biến tướng thành trò sát phạt, hơn thua. Tuy nhiên, vào dịp tết, nếu biết giữ gìn những giá trị tốt đẹp, chọi gà ngày tết vẫn là một nét văn hóa đẹp của người Việt". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài