Thú chơi "hài cốt"
Thú chơi mô hình bằng xương được gọi bằng cái tên nghe rất "kinh dị" là thú chơi "hài cốt". Thú chơi này mới được du nhập về Việt Nam và được các bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh hưởng ứng khá nhiệt tình. Hiện nay, giới trẻ Hà thành cũng đua nhau tìm đến thú chơi lạ này để thể hiện phong cách và đẳng cấp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng theo đuổi nó. Tìm hiểu và liên lạc qua một số điện thoại trên mạng, chúng tôi hẹn gặp được Nguyễn Thành Trung (sinh viên năm thứ hai, đại học Bách khoa Hà Nội). Trung cũng là một người mới theo nghề nhưng đã tỏ ra khá sành sỏi.
Trung cho biết, thú chơi này cũng phân chia đẳng cấp, thứ bậc, chứ không phải ai chơi cũng như nhau. "Chúng tôi phân chia làm hai loại người chơi, người chơi nghiệp dư và người chơi chuyên nghiệp. Những người nghiệp dư thường mua sẵn mô hình về để trưng bày và khoe với bạn bè của mình.
Nhóm này chỉ chơi theo phong trào. Người chơi chuyên nghiệp thì khác, sẽ tự mình làm ra sản phầm, cho nên công sức bỏ ra rất nhiều. Loại này chơi vì đam mê là chính và được tôn lên là những thành phần "ưu tú" nhất trong giới chơi mô hình bằng xương", Trung chia sẻ.
Mô hình rắn với khá nhiều chi tiết phức tạp (nguồn: Internet)
Hiện tại, giá mô hình bằng xương bán ngoài thị trường dao động từ 300.000 đồng tới 500.000 đồng, tùy chất lượng và chủng loại mặt hàng. Những sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho người chơi nghiệp dư. Dân chuyên nghiệp sẽ thực hiện tất cả công đoạn, từ chọn con vật làm mẫu cho đến lắp ghép hoàn chỉnh thành một bộ xương nguyên vẹn. Vật mẫu thường là những động vật nhỏ như: Rắn, ếch, rơi, chim... tùy sở thích của mỗi người chơi. Để làm được một mô hình bằng xương hoàn chỉnh, người chơi phải mất nhiều thời gian và trải qua ít nhất 7 bước.
Cụ thể, sau khi đã có con vật mẫu, người chơi phải làm những bước sơ chế ban đầu (như vặt lông, lột da con vật đó) và lọc bớt phần thịt. Việc này phải làm cẩn thận để tránh tổn hại tới bộ xương. Sau đó, nhúng con vật đã được sơ chế vào nước sôi (trong khoảng 15-30 giây) để cho số thịt còn lại dễ bóc hơn.
Tiếp theo, con vật sẽ được ngâm trong dung dịch Ca(OH)-2 trong khoảng hai ngày để thịt bị lóc ra. Kế tiếp là dùng kéo y tế hay dao lọc phần thịt thừa còn sót lại trên khung xương đó. Người thực hiện phải hết sức chú ý tới những phần khớp nối. Nếu sợ cầu kì thì những khớp xương đó có thể cắt bỏ rồi dán lại bằng keo.
Sau khi đã lọc hết thịt, người chơi phải dùng ống kiêm tim hút tủy xương cho thật sạch sẽ để tránh hiện tượng xương sau này có màu đen của tủy tồn đọng. Công việc này làm kĩ bao nhiêu thì chất lượng sản phẩm sẽ càng đẹp bấy nhiêu.
Sau đó, xương tiếp tục được ngâm ngập trong cồn y tế (70 độ trở lên) hoặc tốt hơn là oxi già để loại bỏ thịt thừa và làm trắng xương. Lưu ý, không được ngâm xương trong dung dịch javen, vì có thể gây loãng xương và mô hình dễ bị hỏng khi lắp ghép. Cuối cùng là đem phơi nắng những bộ xương này, để đảm bảo xương phải thật trắng, lòng xương phải được rửa sạch tủy.
Khi đã có những vật thiết yếu, người chơi tiến hành lắp ghép những bộ phận của con vật. Những đoạn xương được nối với nhau bằng keo dán đặc biệt. Đối với những con vật nhiều chi tiết, công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay. Trung chia sẻ thêm: "So với những mô hình được mua từ nước ngoài về, các sản phẩm trong nước tuy chưa thể bằng về chất lượng và hình thức nhưng do sản phẩm của mình làm ra nên nó có ý nghĩa đặc biệt".
Hiện tại, thú chơi mô hình bằng xương được các bạn trẻ phổ biến nhanh chóng thông qua mạng xã hội. Bởi vậy, mỗi khi có một sản phẩm mới, họ lại đem khoe với bạn bè trên mạng và nếu có ai có nhu cầu mua, họ sẵn sàng bán lại để vừa có tiền theo đuổi vừa để phổ biến, truyền bá thú chơi độc đáo này.
Mô hình ếch có giá khoảng 250.000 đồng
Thể hiện phong cách chơi... không đụng hàng
Thú chơi mô hình bằng xương chủ yếu thịnh hành trong nhóm bạn trẻ có xu hướng thích cảm giác mạnh và thể hiện phong cách "không giống ai" của mình. Bạn Phạm Văn Hưng (sinh viên năm cuối, trường đại học y Hà Nội) cho biết: "Ở trường, chúng tôi đã được làm quen với những mô hình người bằng xương. Tuy nhiên, thú chơi này có những điểm độc đáo riêng. Tôi vừa có thể thực hành giải phẫu trên cơ thể động vật để học hỏi thêm, vừa để thể hiện phong cách chơi độc đáo của mình với bạn bè.
Hiện tại, tôi vừa làm những mô hình để chơi, vừa làm để bán, tuy lãi không nhiều nhưng cũng đủ để duy trì thú chơi này. Chúng tôi cũng lập ra nhóm chơi riêng, mỗi tuần họp nhau một lần để chia sẻ kinh nghiệm cũng như khoe… chiến tích".
Trong khi đó, bạn Lê Đức Kiên (trường THPT Trần Hưng Đạo - Hà Nội) tự hào chia sẻ: "Ban đầu, ý định của tôi là muốn chơi một thứ gì đó khác lạ, không giống với những bạn khác cùng trang lứa. Khi lang thang trên mạng, tôi vô tình thấy có người rao bán những mô hình xương rất kì lạ. Tôi tìm cách liên hệ để mua và người đó phải gửi từ miền Nam ra cho tôi. Khi đem đến lớp khoe bạn bè, tôi thực sự đã dọa được những bạn gái yếu bóng vía, trong khi đó, các bạn nam đổ xô đến xem và đề nghị mua lại mô hình của tôi".
Kiên cho biết thêm, mục đích ban đầu của mình chỉ là để vui nhưng sau lại bị nó cuốn hút. Cho nên, mỗi khi có mẫu mới, Kiên lại tích tiền để mua về. "Trước đây, ở Hà Nội không bán mặt hàng này, nên tôi chủ yếu đặt hàng từ miền Nam. Tuy nhiên, hàng không phải lúc nào cũng có sẵn, nên hầu hết những người bán đều chờ đủ một lượng hàng nhất định rồi mới gửi ra ngoài Bắc được. Chính vì vậy, tôi thường lên mạng để săn các mẫu mới ra và liên hệ đặt mua. Cảm giác phải đợi chờ để có cái mình cần rất thú vị".
Hiện tại, những mô hình bằng xương vẫn chủ yếu được bán trên mạng và truyền tay nhau trong một bộ phận người chơi. Tuy nhiên, nó không khan hiếm như trước nữa mà khá phổ biến.
Theo chia sẻ của Kiên, có những nhóm đã tập hợp nhau để cùng thực hiện những mô hình đó. Từ việc gặp gỡ nhau ở sở thích "chơi độc", họ đã liên kết để sản xuất những mô hình bằng xương bán ra thị trường. Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, họ không những được thỏa niềm đam mê mà công việc này còn đem lại khoản tiền không nhỏ.
Theo tiết lộ của Kiên, lợi nhuận thu được có thể từ 30% đến 50% cho mỗi sản phẩm bán ra. Cụ thể, với công nghệ như hiện nay, việc có được một mô hình để bán không quá phức tạp. Mỗi đội bao giờ cũng có từ 4 người trở lên và mỗi người đảm nhiệm một công việc từ thu gom vật mẫu cho đến ghép khung mô hình. Mỗi công đoạn đều được chuyên biệt hóa. Mỗi người có thể tranh thủ thời gian buổi tối để làm, tính trung bình mỗi tối làm được một mô hình hoàn chỉnh. Với giá bán như hiện nay thì người bán cũng bỏ túi được từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/mô hình.
Khi được hỏi về tính nhân văn của việc buôn bán những mô hình xương được làm từ những động vật đang sống, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đây là việc làm bình thường. "Đây đa phần là những động vật sẵn có trong tự nhiên. Tuy vậy, khi tạo thành những mô hình cụ thể, nó gây cho người nhìn cảm giác sợ hãi. Do vậy, có thể có thành kiến không hay trong nhận định về thú chơi này", Hưng cho biết.
Phạm Thiệu