Thú chơi… nanh heo rừng

Thú chơi… nanh heo rừng

Thứ 4, 29/05/2013 15:00

Theo truyền tụng trong dân gian ở phía Nam, nanh heo rừng khi đeo trên người sẽ giúp chủ nhân thâu tóm thời vận, may mắn, thịnh vượng, tránh được tà ma, bệnh tật… Vì niềm tin tâm linh ấy mà nhiều người tìm mua cho được để vừa làm “bùa hộ mạng” vừa làm vật đeo trang trí. Và loài heo rừng hoang dã có thêm nguy cơ bị tiêu diệt khi những chiếc nanh của chúng ngày càng trở thành món hàng có lợi nhuận béo bở…

Nanh heo rừng lên… mạng

Thời gian gần đây, nhiều người không khỏi tò mò khi thấy những chiếc nanh heo rừng cùng với nanh vuốt của các loại mãnh thú khác như hổ, beo, gấu… được rao bán công khai, tràn lan trên mạng Internet mà không vướng phải bất cứ sự kiểm duyệt nào từ phía cơ quan chức năng.

Khi gõ cụm từ khóa “mua bán nanh heo rừng” trên công cụ tìm kiếm của trang Google lập tức trên màn hình hiển thị cho ra một con số thật bất ngờ vì có đến 373.000 kết quả liên quan đến nội dung này. Kết quả này cũng bỏ xa các cụm từ khóa “mua bán nanh cọp” (61.500 kết quả), “mua bán nanh gấu” (251.000 kết quả).

Rõ ràng mức độ “phổ cập” của thị trường nanh heo rừng và các loại nanh vuốt thú rừng trên mạng Internet đã lan rộng ở một loạt trang web, diễn đàn đăng tải các thông tin mua bán. Chỉ cần lướt một vòng các trang mạng rao vặt sẽ thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều mẩu tin rao bán nanh heo rừng kèm theo hình ảnh hẳn hoi. Có thể liệt kê như: diendan.zing.vn, 5giay.vn, muaban.com.vn, vatgia.vn, muare.vn, tienlixi.com, raovat.gia24.com, rongbay.com, ssc.vn, facebook…

 Xã hội - Thú chơi… nanh heo rừng

Những chiếc nanh heo rừng vốn từng có giá trị rẻ mạt giờ đã trở thành món hàng có lợi nhuận béo bở

Các mẫu tin giới thiệu nhiều chủng loại như nanh của heo rừng già, heo rừng lục chiếc, heo rừng rủ hay nanh heo rừng có yểm bùa hoặc loại nanh heo rừng có xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, Lào… Nào là nanh heo rừng có thể dùng làm trang sức, bọc bạc hoặc vàng để đeo hoặc khắc chạm hình Phật, rồng, bùa chùa thật tinh xảo trên thân nanh… Kèm theo lời rao là nhiều hình ảnh bắt mắt để tham khảo với giá thấp nhất là 800.000 đồng/chiếc và có những chiếc nanh giá cao ngất ngưởng đến cả chục triệu đồng.

Không những vậy, người rao bán còn truyền tụng khả năng huyền bí của những chiếc nanh heo. Nó có thể giúp cho người chủ sở hữu may mắn, thịnh vượng, tránh hiểm nguy, bệnh tật... Người rao còn thêm thắt những yếu tố mê tín về những loại nanh hiếm có như nanh heo rừng rủ, heo rừng lục chiếc đã được yểm, bùa ngải, nếu đeo trên người thì tài lộc không ngừng mang đến, tránh được những tai nạn bất ngờ, trừ tà, cũng như là công cụ hữu dụng cho chủ nhân phòng vệ khi gặp kẻ xấu.

Đơn cử như tại trang web tienlixi.com (một trang web chuyên rao bán các loại nanh vuốt mãnh thú và các món hàng hoang dã, linh thú quý hiếm thuộc dạng cấm), bên cạnh việc giới thiệu la liệt các bộ trang sức từ nanh heo rừng thì còn “trưng bày’ những chiếc nanh heo có hình thù quái gở. Kèm theo đó là các yếu tố liên quan đến ma thuật như lời nguyền, bùa, thần chú về nanh heo rừng, nếu ai có nhu cầu mua thì liên hệ theo số điện thoại 090...

Từ những lời rao trên mạng và nhờ người quen giới thiệu thêm, tôi liên hệ qua điện thoại với một “đầu nậu” nanh heo rừng là người Việt gốc Khơ-me có tên là Thạch Che (ngoài 30 tuổi, quê quán Sóc Trăng, thuê nhà ở gần khu vực Vòng xoay Phú Lâm, quận 6, TP HCM) để ngỏ ý muốn mua vài chiếc nanh heo rừng vừa làm quà tặng vừa làm đồ trang sức đeo chơi.

Qua điện thoại, Thạch Che chào hàng: "Anh cần loại nanh nào em cũng có. Chỉ có hàng của em là được lấy từ heo rừng hoang dã ở Campuchia, Lào chứ không phải nanh heo rừng nuôi như ở Việt Nam. Người quen của em ở Campuchia thường vào rừng mua lại của người dân tộc những mặt hàng này, đảm bảo là thật 100%, nên anh yên tâm”.

Khi tôi hỏi về giá cả thì anh ta bảo rằng: “Đây là hàng thật nên mỗi thứ mỗi giá, còn tùy theo xấu đẹp nữa, nếu muốn mua thì hẹn gặp nhau để xem thực tế sẽ hay hơn”.

 Xã hội - Thú chơi… nanh heo rừng (Hình 2).

Người bán đã gán ghép cho nanh heo rừng nhiều quyền năng vô song

Tuy lấy địa chỉ giao dịch ở quận 6 nhưng khi tôi hẹn đến chỗ trọ của anh ta để xem hàng thì Thạch Che lại từ chối và chuyển hướng hẹn tôi đến một quán cà phê vắng vẻ ở khu dân cư Tên Lửa (quận Bình Tân, TP HCM). Lần đầu gặp nhau, Thạch Che chỉ đem theo khoảng một chục chiếc nanh heo rừng còn khá thô sơ được cất giấu trong ba lô để tôi chọn lựa. Anh ta nói đem theo nhiều hàng quý hiếm sợ Công an kiểm tra tịch thu thì chết!

Thạch Che cho biết: "Đây là loại nanh heo rừng bình thường nên giá chỉ bảy, tám trăm nghìn đồng mỗi chiếc. Nó rất thích hợp để anh làm đồ vật trang sức độc đáo, ấn tượng. Khi anh càng đeo thì nanh càng lên nước bóng rất đẹp. Em cũng nhận gia công bọc vàng, bọc bạc cho chiếc nanh đeo thật đẹp nên anh khỏi lo". Khi tôi ngỏ ý muốn tìm chiếc nanh heo rừng rủ như lời đồn đại của nhiều người, Thạch Che có vẻ do dự rồi bảo: “Cái này hơi khó kiếm, nhưng nếu anh đặt cọc tiền trước thì tháng sau em sẽ cố gắng tìm cho. Giá mỗi chiếc là cả chục triệu đấy nhé!”.

Cũng theo lời Thạch Che, trong các loại nanh của động vật hoang dã như cọp, beo, gấu, heo rừng… thì nanh heo rừng hiện đang mua bán phổ biến nhất, khách hàng chủ yếu là các tay chơi, dân giang hồ, cờ bạc, dân buôn bán làm ăn. Nó được nhiều người tìm mua vì loại nanh này dễ kiếm dễ tìm nên đa phần là hàng thật chứ không bị làm giả như nanh cọp, nanh beo. Với lại giá cả cũng vừa túi tiền nên người ta mua làm mặt dây chuyền đeo cho mình và cho trẻ con để được bảo vệ linh khí, trừ tà và may mắn trong kinh doanh.

Bùa hộ thân của dân chơi?

Cũng từ diễn đàn mạng, tôi lân la làm quen rồi dần dần kết thân với một thành viên tên Lưu Văn Thông, 50 tuổi, ở đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11 (TP HCM) – là người có thú sưu tầm các loại nanh heo rừng trong nhiều năm nay. Anh Thông nói rằng mình là người Việt gốc Hoa lai Khơ-me có quê quán ở Trà Vinh, lại là dân buôn bán làm ăn nên xem trọng chuyện phong thủy. Chính vì vậy nên anh rất sùng bái loại nanh này vì nó là bùa hộ thân có tác dụng đem đến sự thịnh vượng, bảo vệ chủ nhân tránh những ảnh hưởng xấu từ những quyền lực đen tối, đem đến những điều tốt lành đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

Bên cạnh việc chia sẻ niềm đam mê sưu tầm, anh Thông còn chỉ dẫn cách nhận biết được nanh heo rừng rủ – một loại nanh heo cực kỳ quý hiếm mà bản thân anh cất công sưu tầm. Nói về sự bí ẩn huyễn hoặc, thật giả khó lường của loại nanh này, anh cho rằng khi cắm chiếc nanh đó vô cây chuối thì cây chuối sẽ chết, nào là để tim đèn cháy ngang qua nếu đến cái nanh lửa tự tắt thì chính là nó, nào là nanh có hình thù cổ quái (loại đã được sên bùa) thì đầu nanh khi để trong bóng tối sẽ phát ánh sáng màu tím...

 Xã hội - Thú chơi… nanh heo rừng (Hình 3).

Một chiếc nanh heo rừng được khắc chạm hình thù kỳ quái, có xuất xứ từ Campuchia

Ngoài ra, theo anh Thông, bên cạnh nanh heo rừng rủ thì nanh heo rừng lục chiếc cũng được nhiều dân sưu tầm quan tâm đặc biệt. Gọi là heo rừng lục chiếc vì đó là con đực đã tách bầy, chúng thường mài nanh vào thân cây gỗ dầu chai nên còn gọi là heo lăn chai. Heo lục chiếc có bộ dáng rất ngầu, mông thấp, đầu to, có chiếc nanh cứng và sắc luôn dựng ngược lên. Với chiếc nanh chỉa ngược kỳ quái và độ lì đòn kinh dị, heo lục chiếc thường hung hãn tấn công bất ngờ bất kỳ con vật nào khi vừa giáp mặt, kể cả cọp, beo. Khi đã chiến đấu thì nó không bao giờ bỏ chạy trước bất kỳ đối thủ nào. Thợ săn rừng khi gặp heo lục chiếc thường trèo nhanh lên cây rồi mới tìm cách bắn hạ, bởi với chiếc nanh sắc nhọn của nó thì nếu chậm chân sẽ khó mà bảo toàn tính mạng.

“Thường thì khi hạ gục được heo rừng lục chiếc, thợ săn lấy nanh về lưu giữ để đánh dấu chiến tích hoặc đem bọc bạc đeo chơi chứ ít khi họ bán ra ngoài. Càng như thế thì nanh heo rừng lục chiếc càng hiếm dữ. Mà thứ gì càng hiếm thì càng quý và càng đắt tiền”, anh Thông giải thích thêm.

Chính vì độ gan lì, dũng mãnh mà bộ nanh của heo rừng lục chiếc nên nó có giá trị gấp nhiều lần so với những nanh heo rừng thông thường. Trong bộ sưu tập của mình, hiện nay anh Thông có cơ duyên sở hữu một chiếc nanh heo rừng lục chiếc kỳ quái trong một dịp đi du lịch ở thủ đô Pnôm Pênh (Campuchia). Chiếc nanh này dài 12cm - đặc ruột 100% (chứng tỏ cái nanh gốc phải rất dài). Gốc nanh có khắc hình con hổ, trên thân nanh có khắc các ký hiệu lạ. Ở ngoài, nhìn nanh có màu vàng nhạt nhẹ và chi chít các rễ nanh nhỏ li ti. Chiếc nanh này đã được bọc bạc rồi làm dây đeo nên trông rất đẹp. Anh Thông cho biết thêm, qua hỏi thăm từ mấy ông thầy phong thủy thì được biết chiếc nanh đó đã được sên một loại bùa chú của Campuchia. Mấy ông thầy cũng cảnh báo anh nếu sở hữu nó thì phải tuân thủ theo nhiều quy tắc rất nghiêm ngặt, nếu không nó sẽ quay lại hại chính bản mình.

Cũng nhờ anh Thông làm nhịp cầu mà tôi được dịp tiếp xúc vài lần với Dũng “già”, ngoài 40 tuổi, một tay chơi chuyên tham gia các trường gà và cho vay nặng lãi có số má ở huyện Bình Chánh (TP HCM) và cũng là người rất máu me trong chuyện sưu tầm nanh vuốt các loài mãnh thú. Hiện Dũng “già” đang là chủ sở hữu của 10 chiếc nanh heo rừng có xuất xứ Campuchia đã được gia công bọc bạc, có trị giá gần hai chục triệu đồng.

 Xã hội - Thú chơi… nanh heo rừng (Hình 4).

Nanh heo rừng càng cong tròn, càng đặc ruột thì càng đắt tiền

Vốn làm cái nghề cho vay nặng lãi nên tiền vô cũng nhiều mà rủi ro cũng không ít nên Dũng “già” rất sùng kính nanh heo rừng để các phi vụ làm ăn được hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Nghe ở đâu có bán nanh heo rừng rủ hay heo rừng lục chiếc thì Dũng “già” lùng sục đến để “săn” cho bằng được. Chiếc nanh có giá trị cao nhất trong bộ sưu tập của Dũng là chiếc nanh heo rừng rủ mua ở vùng biên giới Campuchia giáp huyện Vĩnh Hưng (Long An). Đó là chiếc nanh cong vút và đặc ruột gần như 100%, đường kính khoảng 13mm, có màu trắng vàng như ngà voi, rễ nanh mọc tua tủa xung quanh. Dũng “già” bật mí rằng anh đã bỏ ra 5 triệu đồng để mua chiếc nanh hiếm có này từ một người Khơ-me. “Có chiếc nanh này tui yên tâm, làm đâu thắng đó”, Dũng cười khây khẩy.

Ngoài ra, trong chuyến đi qua biên giới Campuchia, Dũng “già” còn bỏ ra cả chục triệu đồng để mua và bắt đám đàn em mỗi đứa phải đeo một chiếc nanh heo rừng để khi ra trường gà cá cược thì sẽ được “thần nanh” phù hộ chỉ có thắng chứ không có thua. Gần đây, một người chơi nanh sẵn sàng trả tới 10 triệu để sở hữu một trong những nanh heo rừng được chạm khắc kỳ quái mà Dũng “già” đang sở hữu nhưng anh ta nhất quyết không bán vì sợ vận may sẽ mất đi.

Thú chơi hay tâm linh?

Theo như giới săn nanh vuốt lâu năm, trước năm 1975, ở Việt Nam, so với các loại nanh khác thì nanh heo rừng có giá trị khá rẻ. Thế nhưng khoảng hai chục năm trở lại đây thì nanh heo rừng bắt đầu có giá trị khi được các dân buôn bán làm ăn hay dân chơi cờ bạc, dân giang hồ đổ xô lùng sục mua cho bằng được để bọc vàng dát bạc làm đồ trang sức đeo trên người. Cùng với nanh vuốt các loại mãnh thú khác, răng nanh heo rừng giờ đây đã được những kẻ buôn bán động vật hoang dã coi là một thứ “vàng trắng” đem lại lợi nhuận béo bở.

Qua tìm hiểu được biết riêng tại TP HCM hiện có đến hàng chục đầu mối lớn chuyên cung cấp nanh heo rừng và các loại nanh vuốt khác, đặc biệt là tại địa bàn quận 6, Tân Phú, Bình Tân và Thủ Đức. Còn người mua không chỉ tập trung ở TP HCM mà còn rải rác ở hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Vì sao nanh heo rừng lại khiến nhiều người muốn mua như vậy?

Với giới buôn bán vốn có chút niềm tin tâm linh thì quan niệm nanh heo rừng như một thứ bùa hộ mạng may mắn sẽ giúp họ thâu tóm thời vận luôn thịnh vượng, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, thăng tiến về địa vị xã hội, đem lại những khoản hợp đồng kinh tế có lợi cho họ, tránh bị đối thủ chơi xấu sau lưng. Còn với dân cờ bạc như đá gà, chơi số đề, cá độ… thì kháo nhau rằng mang nanh heo rừng trên người sẽ được yểm trợ cho chơi đâu thắng đó.

 Xã hội - Thú chơi… nanh heo rừng (Hình 5).

Nanh heo rừng, nanh gấu đã được khắc chạm và rao bán la liệt trên mạng

Riêng với những người làm nghề đồ tể chuyên giết mổ heo cũng thường săn lùng cho được chiếc nanh heo rừng, sau đó họ nhờ thầy bùa làm phép để đeo. Việc đó giúp họ tin rằng sẽ tránh được những sự trả thù từ thế giới tâm linh của các con heo. Bàn về chuyện này, nhiều người trong giới chơi nanh heo rừng cho rằng tất cả đều có nhân – quả, họ có thể tránh ở đời họ, có thể tránh hàng chục năm... nhưng cách gì cũng phải trả!

Còn với dân giang hồ đâm thuê chém mướn thì lại cho rằng có mang nanh heo rừng thì mới oai, mới khẳng định được đẳng cấp giang hồ của mình. Cũng có quan niệm cho rằng, nanh heo rừng giúp cho chủ nhân của nó tránh được những tai nạn bất ngờ, những nguy hiểm thường ngày. Chính vì vậy mà khá nhiều dân giang hồ đã săn lùng nanh heo rừng để đeo trên người.

Trong các loại nanh heo rừng thì từ xưa đến nay, đối với người Việt Nam, những nanh heo rừng có công năng mạnh gọi là nanh heo rừng rủ (hoặc rũ). Theo truyền tụng thì nanh heo rừng rủ là nanh của những con heo rừng thành tinh, sống lâu năm trong rừng sâu và đạt đến hạng thượng thừa về khả năng sinh tồn. Những con heo rừng đó khi chết đi thì toàn bộ sức manh của nó sẽ dồn vào cặp nanh và sở hữu được nó là thiên duyên cực kỳ hiếm có. Người ta gán ghép cho nó rất nhiều quyền năng vô song như là: đạn bắn không trúng, tránh được tai họa, buôn may bán đắt, thuốc chữa bệnh nan y… Và đây cũng là loại nanh ưa chuộng nhất bởi phép màu huyền bí của nó khi được “yểm bùa”. Chưa rõ thật giả thế nào nhưng giá của loại nanh này cũng cao gấp nhiều lần so với loại nanh thường.

Trước năm 1975, ở Việt Nam, nhiều người lính chế độ cũ tin rằng, người đeo nanh heo rừng già khi bị bắn, đạn sẽ không trúng. Thực tế có đúng không?

Trên thực tế, việc này cũng chưa ai kiểm chứng được, tất cả cũng chỉ là truyền miệng trong dân gian. Vì từ lâu, trong truyền thuyết dân gian ở phía Nam đã có nói đến tác dụng thần bí của nanh heo rừng, già, rồi tự rụng (chứ không phải lấy được do săn bắn). Vì thế, trước 1975, có câu chuyện về một người lính chế độ cũ cũng nhặt nanh heo và thử, bằng cách để trên đầu cái cây, úp chiếc nón lên, đứng cách mấy bước và bắn nhưng không trúng nên cho rằng đúng là nanh già, tự rụng. Câu chuyện được truyền miệng và lớp trẻ nghe theo chứ không biết thực hư thế nào. Nhưng thực tế để tìm cái nanh già không dễ, nên người ta hay dùng nanh "đại trà" để đeo, một là thấy nó cũng ngầu, cũng oai, và người ta cũng suy nghĩ, ít ra thì nó cũng ngăn cản tà ma, yêu quái, không xâm phạm đến thân chủ.

Còn theo lý giải của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục đeo nanh heo rừng xuất phát từ một số người dân tộc thiểu số ở nước ta ngày xưa. Họ coi đó là bùa hộ mạng giúp tránh thú dữ, gặp may mắn trong săn bắn vì nó làm tôn thêm vẻ uy nghiêm và mạnh mẽ của con người trước thiên nhiên hoang dã. Khi đeo chủ yếu xuất phát từ niềm tin tâm linh của người đeo chứ không phải do công dụng cụ thể của mấy chiếc nanh đó. Còn bây giờ, nanh heo rừng đã biến thành một thứ hàng hóa đem lại lợi nhuận. Do vậy người mua không nên để niềm tin bị người khác lợi dụng, lừa gạt bán các mặt hàng này với giá “trên trời”. Và để lấy được cặp nanh, người ta đã đang tâm giết cả con heo rừng hoang dã. Một khi nanh heo rừng trở thành món hàng bán được nhiều tiền thì những con heo rừng hoang dã sẽ ngày càng có thêm nguy cơ bị tiêu diệt bởi bàn tay của con người!

Theo PetroTimes

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.