Thư của TS người Mỹ, “Gừng” R. Davis: “Tôi có thể kể hàng giờ về Tết Việt!”

Thư của TS người Mỹ, “Gừng” R. Davis: “Tôi có thể kể hàng giờ về Tết Việt!”

Nguyễn Quốc Hưng

Nguyễn Quốc Hưng

Thứ 2, 04/02/2019 14:41

TS người Mỹ Ginger “Gừng” R. Davis, bang North Carolina (Mỹ) - đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Duke & Đại học Norwich. Từng sống ở Việt Nam gần 9 năm liền, chị có nhiều kỷ niệm nơi đây, nên chị yêu và gắn bó với Việt Nam, chị hiểu tính cách, tập quán của người Việt một cách sâu sắc.

Tôi nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử, đặc biệt là Lịch sử Việt Nam. Mọi người ở Việt Nam hay gọi tôi bằng cái tên trìu mến là Gừng (chính là nghĩa tiếng Việt của tên tôi!). Tôi yêu cái tên này. Cái tên mộc mạc mà gần gũi như tình cảm mà tôi dành cho đất nước và con người nơi đây.

Để theo đuổi niềm đam mê của mình, tôi đã đến Việt Nam theo chương trình học bổng Fulbright, đã sống ở Việt Nam gần 9 năm liền, để rồi tôi đã yêu và gắn bó với cái mảnh đất bình dị này vô cùng.

Tôi yêu lòng người nồng hậu, yêu ẩm thực phong phú, yêu kiến trúc nhỏ xinh mà cổ kính, yêu văn hoá sâu sắc mà đa dạng và tôi đặc biệt yêu ngày Tết. Đối với người Việt Nam, dịp Tết không chỉ là một hai ngày đầu năm, mà là cả những tuần trước thềm năm mới, khi mà bà con nô nức sắm sửa quà cáp, quần áo, trang hoàng nhà cửa; Tết cũng là thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới với bao ước nguyện gửi trao; đặc biệt nhất, Tết cũng là những ngày đầu năm mới, ai ai cũng mặc những trang phục đẹp nhất mà mình có, gặp gỡ nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Có lẽ bấy nhiêu lời đây chẳng thể nói được hết được tôi yêu truyền thống này của người Việt Nam thế nào. Tôi có thể ngồi kể hàng giờ về những điều đặc biệt của Tết Việt và những kỷ niệm mà tôi từng có trong dịp dễ đặc biệt này. Và người nghe tôi kể nhiều nhất có lẽ là Minh, cô con gái 11 tuổi của tôi.

Đã nhiều năm nay, năm nào tôi và con gái cũng ăn Tết 2 lần – Tết Tây và Tết Ta. Tết Tây là năm mới theo lịch phương Tây, còn Tết Ta là Tết Nguyên đán theo lịch Âm của người Việt. Nhưng có một năm, tôi và con gái ăn Tết tận 3 lần! Con gái tôi vì thế mà vui lắm, cứ tíu tít, líu lo hỏi han tôi cả ngày. Mà lý do ăn Tết tận 3 lần cũng thú vị lắm.

Xã hội - Thư của TS người Mỹ, “Gừng” R. Davis: “Tôi có thể kể hàng giờ về Tết Việt!”

Hai mẹ con tác giả trong một lần về thăm cụ và ông bà nội cháu bé. 


Tôi đã kết hôn và sinh con ở Việt Nam. Chồng tôi là một người Việt Nam chân thành, giản dị và tháo vát. Chúng tôi có được một cô con gái xinh xắn là Minh. Tuy nhiên, sau nhiều chuyện xảy ra, chúng tôi đã quyết định chia tay nhưng vẫn là bạn tốt của nhau. Tôi là người chính để nuôi dạy con, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng đảm bảo con gái có được tình yêu thương và dạy dỗ của cả cha và mẹ.

Dù đang sinh sống ở Mỹ, nhưng vẫn mang trong mình dòng máu Việt, nên con gái tôi vẫn được dạy dỗ về văn hoá, phong tục, ngôn ngữ Việt. Và quan trọng nhất là, hằng năm, chúng tôi cố gắng để con gái có cơ hội về Việt Nam thăm gia đình nhà nội. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm mà tôi và con gái gọi là “ăn Tết 3 lần”. 

Đầu tiên là thời điểm Tết Tây ở Mỹ. Con gái ngây thơ hỏi tôi: “Dịp này thì có gì vui hả mẹ?”. Tôi giải thích cho con rằng đây là thời điểm kết thúc năm cũ để sang năm mới, và năm mới bắt đầu từ thời điểm 12 h đêm khi mà người ta gửi tới nhau những lời chúc năm mới an lành. Người lớn thường sẽ tổ chức du lịch cùng nhau còn con trẻ thì háo hức vì được nghỉ học. Con gái tôi có vẻ cũng không để tâm lắm.

Xã hội - Thư của TS người Mỹ, “Gừng” R. Davis: “Tôi có thể kể hàng giờ về Tết Việt!” (Hình 2).

Cô con gái của tác giả (giữa) có quê nội ở Việt Nam.


Vài tuần sau, tôi cho con về quê nội ở Hưng Yên để ăn Tết. Chúng tôi chỉ có ba tuần ở Việt Nam, vì tôi cần lên giảng đường để dạy sinh viên, còn con gái cũng không thể nghỉ học quá lâu. Nhìn ánh mắt con lấp lánh niềm vui khi về thăm nhà nội, mà tôi ước rằng hai mẹ con có thể ở lại chơi lâu hơn. Hai mẹ con tôi đều yêu Tết Việt lắm. Không khí Tết bắt đầu từ những cành đào hay cây quất mà nhà nhà chuẩn bị để trang trí trong nhà. Tết là mùi hương trầm thoảng trong gió khiến thời gian như chậm lại và lòng người thấy bình an. Tết là những lời thăm hỏi đầu năm của bà con chòm xóm. Tết là bánh chưng, giò xào, mứt ngọt…những món ăn truyền thống dân dã mà ăn một lần rồi chẳng thể nào quên. Những ngày đầu xuân ấy, dù có se lạnh hay mưa phùn thì lòng người Việt vẫn thấy ấm áp, bởi đấy là biểu hiện của tài lộc cho một năm may mắn đong đầy.

Đối với con trẻ, Tết Việt vui nhất có lẽ vì phong tục “lì xì”. Có đứa trẻ con nào mà không thích những phong lì xì đỏ thắm với những đồng tiền may mắn mà chúng có thể dùng để mua kẹo bánh hay đồ chơi? Con gái tôi thì đặc biệt thích lì xì, và rất phấn khích khi được cùng bố mẹ đi thăm họ hàng, dù rằng vẫn còn bẽn lẽn khi thấy những người quen lâu ngày mới gặp lại.

Còn đối với người lớn, tôi tự hỏi khi đang quay cuồng trong cuộc sống bận rộn này, người ta có còn thích Tết, có còn thấy Tết vui như ngày xưa? Trước đây, do ảnh hưởng của chiến tranh, người dân còn nghèo và cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, kinh tế eo hẹp khiến người ta ngần ngại với những khoản chi cho ngày lễ Tết. Quần áo mới, đồ ăn ngon, lì xì cho trẻ nhỏ… tất cả đều tốn kém. Phụ nữ thì lại càng vất vả hơn, với nào là ăn uống, cúng, lễ, đủ thứ “thủ tục” đầu năm để có một cái Tết tươm tất cho gia đình. Nên nhiều khi, người lớn có phần sợ… Tết.

Đợt đó, tôi và con gái phải bay về Mỹ vào đêm giao thừa. Cả ngày 30 Tết, con gái tôi cứ quanh quẩn ở nhà chơi và nói chuyện với cụ nội, với bà nội và ba. Tôi biết con gái buồn và không muốn xa mọi người. Trên suốt chuyến bay về Mỹ, con gái tôi thủ thỉ về những con phố vắng trong đêm giao thừa, những bông hoa xuân rực rỡ và những món ăn ngon mà con lần đầu biết tới. Rồi con gái tôi lại cười ngặt nghẽo khi nhớ lại chương trình hài truyền hình Gặp Nhau Cuối Năm, “phong tục đêm 30 Tết” của người Việt, mà con xem trước đó.

Trở về Mỹ, để con gái đỡ buồn và nhớ Việt Nam, hai mẹ con tôi đi chợ người Việt ở Wilmington. Tới đây, con gái tôi vui thích khi nhận ra rằng đồng bào Việt ở Mỹ cũng vẫn ăn Tết như ở Việt Nam.

Dù rằng khu chợ rất tấp nập, nhưng lâu lâu chúng tôi lại gặp một vài người quen. Chúng tôi trao nhau những lời chúc cho một năm mới an lành, may mắn. Về tới nhà, con gái tôi vui vẻ nhảy chân sáo khắp nhà với xấp lì xì được mừng tuổi ở chợ. Tới bữa cơm, hai mẹ con tôi lại nấu những món ăn Việt Nam và con gái tôi thì thích được tự rán bánh chưng. Đó là cách để chúng tôi cảm nhận không khí Tết ở nơi xa Việt Nam đến nửa vòng Trái Đất.

Hôm sau, con gái tôi dậy từ rất sớm, háo hức được đi học để kể với bạn về trải nghiệm Tết Việt của mình. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác tự hào của người làm mẹ khi nhìn thấy con gái mình tự tin và vui vẻ đứng trước lớp để giải thích và chia sẻ với các bạn về phong tục đặc biệt này của người Việt.

Con gái tôi thậm chí còn chuẩn bị “lì xì” cho các bạn. Có lẽ đứa con gái bé bỏng của tôi không biết rằng, con đang là một "đại sứ văn hoá", bởi chính những điều đó giúp xây dựng những sự hiểu biết lẫn nhau và giúp thắt chặt hơn mối quan hệ Việt – Mỹ.

Tết Việt trong tôi là một nét đẹp văn hoá mà tôi mong rằng, qua thời gian, vẫn sẽ luôn được gìn giữ những phong tục mà không bao giờ mất đi. Dù cuộc sống có bận rộn, hối hả đến mức nào, cứ đến ngày Tết, mỗi con người trong chúng ta lại có thời gian để bình tâm lại, dành thời gian bên những người thân yêu và thưởng khức không khí xuân an lành. Tết Việt ở Miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam có lẽ có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng tôi tin rằng sắc hoa xuân và hương Tết Việt ở nơi nào cũng thắm đượm.

Ginger “Gừng” R. Davis

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.