Các nhà khoa học xác định vật chủ trung gian lây bệnh đậu mùa khỉ
Tình hình bệnh đậu mùa khỉ đang "nóng" ở một số quốc gia, các nhà khoa học lo ngại một số động vật có thể là trung gian truyền bệnh. Trang mạng dẫn nội dung một số hướng dẫn đang được soạn thảo tại Anh cho thấy một trong những phương cách cuối cùng là tiêu hủy một số vật nuôi nếu không thể cách ly.
Theo báo cáo của Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), về lý thuyết thì người dân ở châu Âu có thể lây virus cho vật nuôi trong nhà khiến những vật nuôi này trở thành trung gian truyền bệnh cho những người khác.
Tình trạng này nếu xảy ra sẽ dẫn đến virus lây lan trong môi trường hoang dã và có nguy cơ trở thành bệnh đặc hữu lây lan từ động vật sang người tại châu lục này. Dù vậy, ECDC đánh giá nguy cơ lây chéo từ người sang vật nuôi ở mức rất thấp, đồng thời nêu rõ hiện chưa thể đánh giá cụ thể nguy cơ vật nuôi là vật chủ trung gian lây truyền virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu.
ECDC lưu ý giới chức y tế các quốc gia nên phối hợp với các chuyên gia thú y để đảm bảo năng lực xét nghiệm và cách ly vật nuôi từng tiếp xúc với nguồn bệnh.
Ngoài ra, ECDC khuyến nghị cách ly những vật nuôi họ chuột ở các cơ sở cách ly riêng, trong khi những thú nuôi như chó và mèo có thể cách ly tại nhà, ở nơi có không gian ngoài trời thoáng đãng và được bác sỹ thú y thăm khám định kỳ.
Mới đây, theo hướng dẫn mới từ ECDC, những thú cưng họ chuột như hamster và chuột lang có thể sẽ bị tiêu hủy để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ tại Anh và châu Âu.
Đặc biệt trong báo cáo của ECDC cũng lưu ý các quốc gia châu Âu chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng để kiểm soát sự lây lan của loại virus nhiệt đới này.
Người dân cần cảnh giác nguy cơ dịch bệnh
Ngày 26/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới. Khoảng 200 trường hợp mắc và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. WHO kêu gọi các nước tăng cường giám sát bệnh này.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết tình hình bệnh đậu mùa khỉ hiện đang trong tầm kiểm soát.
Ở giai đoạn hiện nay, các biện pháp y tế cộng đồng như phát hiện sớm, cách ly ca bệnh có thể giúp ngăn chặn bệnh lây từ người sang người.
Theo bà Maria Van Kerkhove, bệnh lây lan do tiếp xúc gần về thân thể như tiếp xúc da, hầu hết các ca mắc đến nay đều ở thể nhẹ.
Trong khi đó, Tiến sỹ Rosamund Lewis, phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết đây là lần đầu tiên các ca bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở nhiều nước cùng lúc và ở cả những người không có lịch sử đi lại gần đây đến các nước ở châu Phi là nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
Theo chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Seth Blumberg, từ Đại học California, San Francisco (Mỹ), về cơ bản bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa do các virus cùng chủng gây ra. Do đó, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa cũng có hiệu quả bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Các dấu hiệu khi mắc bệnh cũng khá tương đồng như sốt, phát ban, choáng váng và sưng hạch bạch huyết. Điều may mắn là so với bệnh đậu mùa thì bệnh đậu mùa khỉ ít gây biến dạng và tỷ lệ tử vong thấp hơn bệnh đậu mùa.
Chuyên gia Blumberg chia sẻ thêm, cơ hội để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ cao hơn so với Covid-19. Dựa trên lịch sử dịch tễ trong nhiều thập kỷ qua và từ những diễn biến đợt bùng phát mới thời gian vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ chưa bùng phát đến mức gây đe dọa như đại dịch Covid-19. Do đó, chuyên gia Blumberg cho rằng có thể lạc quan một cách thận trọng rằng đợt bùng phát này có thể kiểm soát được.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người như thế nào?
Theo WHO bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm động vật gặm nhấm và động vật linh trưởng.
Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật có thể giảm được bằng cách tránh tiếp xúc mà không có sử dụng bảo hộ cá nhân với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng).
Ở các nước có bệnh lưu hành, nơi động vật mang bệnh đậu mùa khỉ, cần nấu chín kỹ bất cứ thức ăn nào chứa thịt hoặc bộ phận của động vật trước khi ăn.
Trúc Chi (t/h Sức khỏe & Đời sống, TTXVN, Vietnam+)