Thời xưa, trinh tiết rất được đề cao và quan trọng đối với phụ nữ Trung Hoa cổ đại, với các cung nữ càng trở nên nghiêm ngặt.
Người ta tìm mọi cách để chứng minh điều đó, đồng thời nghiêm trị thậm chí xử tử những nữ nhân thất tiết.
Cách kiểm tra thông dụng và phổ biến là Thủ cung sa.
Hiểu một cách nôm na thì thủ cung sa là một vết son đỏ được dùng để chấm lên tay của phụ nữ nhằm mục đích đánh dấu trinh tiết của họ. Tương truyền, vết đỏ này sẽ không bao giờ biến mất nếu như nữ nhân đó còn trong trắng.
Đối với cung nữ, hậu phi, việc thất thân là điều cấm kỵ lớn nhất. Chịu hình nặng, thậm chí mất mạng nếu mất trinh!
Để tạo ra thủ cung sa, theo các ghi chép cổ xưa, người ta sẽ nuôi một con thằn lằn trong một bình sứ và cho ăn bằng chu sa trong nhiều năm. Chính vì ăn chu sa trong thời gian dài nên toàn thân thằn lằn sẽ có màu đỏ son.
Khi con thằn lằn đó có trọng lượng khoảng 3 cân thì sẽ đem đi rang chín, tán nhuyễn chúng để lấy một chất bột màu đỏ.
Một số ghi chép cho rằng khi chấm vết son đỏ vào cánh tay trái của nữ nhân (ở vị trí cách vai khoảng một tấc) thì vết đánh dấu này sẽ mãi không phai nếu như còn trong trắng. Ngược lại nếu thất thân (mất trinh tiết) thì thủ cung sa sẽ tự động biến mất.
Lý giải điều này, khoa học cho rằng, những con thằn lằn cái trong thời kỳ sinh sản sẽ được lựa chọn. Lúc đó chúng tiết ra nhiều nội tiết tố nữ (estrogen) và vì những nội tiết tố này không dễ dàng mất đi nên thủ cung sa cũng rất khó để phai mờ.
Bởi vậy, nên khi quan hệ, nội tiết tố nữ gặp nội tiết tố nam (androgen) trong quá trình ân ái sẽ khiến chúng trung hòa và biến mất. Lời giải thích này dựa theo quan điểm sinh học hiện đại và hiện đang được nhiều người ủng hộ nhất.
Việc sử dụng thủ cung sa để kiểm tra trinh tiết bắt đầu phát triển và lan rộng khắp cung cấm tới giang hồ từ thời nhà Tống khi những quan niệm về đức hạnh của người phụ nữ được đề cao và có phần khắt khe.
Có vẻ như những ghi chép về thủ cung sa vẫn còn khá mơ hồ, nhưng kỳ thực thủ thuật này từng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ thời xưa ở Trung Quốc.
Vết chấm đỏ trên cánh tay dường như chỉ là một sản phẩm của xã hội gia trưởng, nam quyền, một chiếc vòng kim cô muốn "trói buộc" và kiểm soát, bắt những người phụ nữ của mình phải chung thủy.
Nó cũng là một lời nhắc nhở nhẹ cho phẩm hạnh của người con gái trước khi về nhà chồng.
Nguyên Anh