Bắt "pháo đài bay" B-52 cúi đầu
Được lịch sử vinh danh không chỉ là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, trung tướng Phạm Tuân còn là người đầu tiên bắn rơi B-52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Gặp Phạm Tuân bây giờ, nhiều người vẫn chưa hết ngỡ ngàng và khâm phục trước những chiến tích của vị anh hùng "chân đất" sinh năm 1947. Với ông, trận chiến ác liệt 40 năm về trước như mới xảy ra hôm nào. Kỷ niệm về những trận đương đầu "một mất một còn" với B-52 khi chúng tiến vào Thủ đô vẫn tươi mới lạ thường.
Vốn là một chàng thanh niên xuất thân nhà nông, lớn lên Phạm Tuân được thừa hưởng tinh thần cách mạng sục sôi của quân dân cả nước chống Mỹ. May mắn hơn, ông được học lớp đào tạo hàng không bài bản của Liên Xô. Vị tướng này chia sẻ, dường như ông đã nhận được một sự may mắn đặc biệt, hay nói đúng hơn là có duyên với chiếc "vô lăng" máy bay.
Bởi ban đầu, trong một đợt tuyển chọn sang Liên Xô đào tạo, ông không đạt tiêu chuẩn theo học phi công mà phải học để trở thành thợ sửa máy bay. Nhưng khi đặt chân đến đất nước Liên Xô, ông lại được chọn thay thế cho học viên phi công không theo nổi chương trình học.
Chiếc MIG-21 cùng anh hùng Phạm Tuân bắn rơi B-52 đã trở thành bảo vật quốc gia.
Đầu những năm 70, sau hàng loạt thất bại thảm hại trong chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đưa máy bay ra Bắc, hòng gây áp lực về mặt quân sự. Đồng thời, chúng muốn mau chóng kết thúc chiến tranh. Điểm đánh quan trọng nhất mà các phi công Mỹ được hướng đến chính là thủ đô Hà Nội. Bởi chúng xác định, đây là trung tâm đầu não của cách mạng. Nếu Hà Nội bị phá, toàn bộ trung tâm chỉ huy sẽ tan rã và hệ thống chi viện cho miền Nam sẽ gián đoạn. Nhận thấy rõ âm mưu của kẻ thù, lực lượng phòng không không quân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm sống còn với B-52 để bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Trung tướng Phạm Tuân xúc động kể lại: "Tôi không thể nào quên được ngày 19/7/1965, khi đến thăm Trung đoàn 324 bộ đội phòng không - không quân, Bác Hồ nói: "Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng". Những lời nói của Bác là điều tôi luôn ghi nhớ mỗi khi bay trên bầu trời Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không".
Để thực hiện được nhiệm vụ chặn máy bay B-52 địch, bộ Chỉ huy Sư đoàn do đại tá Trần Hanh chỉ huy đã tiến hành đào tạo đội ngũ phi công và phân tích chiến thuật của B-52 và các máy bay tiêm kích yểm của Mỹ. Anh hùng Phạm Tuân cùng đội bay đã nhiều lần cất cánh đi làm những nhiệm vụ như vậy, nhưng chưa gặp thời cơ thuận lợi để bắn hạ B-52.
Nhờ có thiết bị rađa tốt nên phía Mỹ thường xuyên săn tìm được địa điểm bố trí máy bay của ta. Ngày 18/12/1972, máy bay Mỹ bất ngờ tấn công sân bay của ta vốn được bố trí khá xa và ngụy trang tốt. Chẳng mấy chốc, chúng đã phá hủy đường băng cất cánh. Lúc ấy, Phạm Tuân là phi công đầu tiên xuất kích sau khi có báo động (18/12) và chạm trán với B-52. "Với chủ trương phải cất cánh bất cứ giá nào, chúng tôi nhanh chóng xuất kích bởi biết rằng, sự tàn phá của B-52 là vô cùng ghê gớm. Với 30 tấn bom mà mỗi chiếc mang bên mình, khi thả xuống, chắc chắn thủ đô Hà Nội sẽ khó bảo toàn. Lúc ấy, Đế quốc Mỹ huênh hoang tuyên bố đánh vào Hà Nội như... đi du lịch, không một thứ vũ khí nào của Việt Nam có thể bắn rơi B-52. Do đó, chúng tôi hạ quyết tâm phải chặn bằng được kẻ thù", vị trung tướng chia sẻ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, biết nhiên liệu trên máy bay sắp cạn kiệt, cần hạ cánh khẩn cấp, anh hùng Phạm Tuân đã quyết định hạ cánh ở sân bay vừa bị đánh bom. Quyết định này được báo lên đài chỉ huy binh chủng và được chấp thuận. 40 năm trôi qua nhưng người anh hùng vẫn nhớ như in thời khắc sinh tử năm nào. "Đêm hôm ấy, trời tối đen như mực, trên sân bay không có một ánh sáng đèn nào soi đường nhưng tôi vẫn quyết định hạ cánh. Tôi hạ cánh chỉ nhờ vào ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pha máy bay. Khi con "chim sắt" của tôi vừa chạm đất thì lập tức bị tụt xuống hố bom. Tốc độ hạ cánh của MIG-21 khá cao và chiếc máy bay đã lộn nhào, rồi trượt đi khoảng 300m. Lần đó, tôi may mắn thoát chết trong gang tấc", ông nhớ lại.
Trận đối đầu huyền thoại
Trong các trận chiến đấu của anh hùng Phạm Tuân, mỗi trận đánh đều ghi lại bằng những kỷ niệm sâu sắc. Trung tướng Phạm Tuân vẫn còn nhớ như in trận đánh ở vùng trời TP. Vinh (Nghệ An). "Do máy bay của địch bay thấp nên hệ thống rada của ta không phát hiện được. Khi chúng vừa tấn công mục tiêu thì chúng tôi được lệnh xuất kích. Hai bên quần nhau trên không. Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt máy bay địch, một cảm giác vừa lo lắng, vừa hồi hộp nhưng cũng đầy ấn tượng", trung tướng Phạm Tuân nói.
Trung tướng Phạm Tuân kể lại những trận chiến trên bầu trời Thủ đô cách đây 40 năm.
Đêm 27/12/1972 không chỉ là đêm đáng nhớ với người lính Phạm Tuân ngày ấy, mà nó còn mở ra một bước ngoặt trong lịch sử bắn B-52 bằng máy bay ở Việt Nam. Theo anh hùng Phạm Tuân, máy B-52 thường bay thành hàng, bom được ném theo dải. Đó là chưa kể cận kề mỗi chiếc B-52 là 4 chiếc F-4 giăng lưới bảo vệ nên ta không có cơ hội tiếp cận. Trước đó, phi công của ta gặp B-52 thường xuyên, nhưng bị F-4 quấy nhiễu. Điều duy nhất mà lúc đó phi công ta làm được đó là phá máy bay F-4, tạo điều kiện cho pháo thủ bên dưới bắn hạ B-52.
Phải đến đêm lịch sử ngày 27/12, bước ngoặt cho cuộc chiến trên không mới được mở ra bằng chiến thắng của chiếc MIG-21 do Phạm Tuân điều khiển. MIG-21 của ta đã "nướng chín" B-52 chỉ trong nháy mắt. Nhớ lại đêm lịch sử, trung tướng Phạm Tuân cho biết: "Lúc đó, cả bầu trời đen kịt. Chốc chốc lại lóe lên những ánh sáng sau tiếng nổ đanh của những chùm bom rải thảm mà "pháo đài bay" B-52 của Mỹ mang đến Việt Nam. Khi tôi bay tiếp giáp địch 10km thì nhận được lệnh tấn công. Song tôi đã thực hiện mệnh lệnh đó chậm hơn, vì tôi muốn tiếp cận mục tiêu gần hơn nữa để ăn chắc. Cách cự li 3km, tôi được lệnh bắn thoát li bên trái... Phải đến lần thứ 3, khi cự li đã rút xuống còn 1,5-2km, tôi mới quyết định bắn".
"Sau khi nhả đạn vào một chiếc B-52, tôi nghĩ ngay đến việc sẽ phải thoát thế nào cho an toàn. Bởi lúc đó có nhiều máy bay địch bao vây, chưa kể đến việc sẽ bay vào vùng hỏa lực phòng không của ta. Khi đã hạ cánh an toàn nhưng tim tôi vẫn đập mạnh. Sáng hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện chúc mừng, tôi mới chắc rằng chiếc máy bay B-52 đó đã bị bắn rơi", trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Vị anh hùng bầu trời rút ra kinh nghiệm, những trận đánh trên cao, đặc biệt là đánh đêm, việc quan sát và khả năng xử lí của phi không là rất quan trọng. Bởi dù tổng đài cảnh báo có máy bay nhưng không thể xác định được số lượng cụ thể. Súng cao xạ cũng không thể phân biệt được địch, ta nên phi công phải chủ động là chính.
Tuy nhiên, để có được những trận đánh thần kì với B-52, những chiếc MIG của phi công Việt Nam phải nhờ sự góp sức rất lớn của những sĩ quan hướng dẫn đường bay, các nhân viên theo dõi bản đồ đường bay, điều phối không lưu... "Họ biết cách dẫn đường cho tôi xuyên qua đội hình những "con ma bay" của Mỹ. Tôi đã bình tĩnh và thực hiện chính xác mệnh lệnh, nhanh chóng lấy độ cao, quan sát nhanh màn hình của máy ngắm trên máy bay", vị tướng nhớ lại.
Chiến thắng của Phạm Tuân cùng các đồng đội những ngày ấy là đòn đau giáng vào "pháo đài bay" bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã góp phần làm nên "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy năm châu.
Cuộc gặp bất ngờ của hai phi công đứng trên hai chiến tuyến Trung tướng Phạm Tuân cũng kể cho chúng tôi câu chuyện gặp lại viên phi công lái B-52 của Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò. Lúc đó ông hỏi viên phi công: "Ông suy nghĩ gì khi bay vào Hà Nội?". Vị sĩ quan kia trả lời: "Vũ khí của không quân Bắc Việt chúng tôi biết hết, gồm có MIG, Sam và nhiều loại khác. Thậm chí chúng tôi còn diễn tập bằng các loại khí tài này và nghĩ rằng bay vào đánh Hà Nội như là bay luyện tập thôi". Trung tướng Phạm Tuân hỏi tiếp: "Vậy giờ ngồi ở đây, ông cảm thấy như thế nào?". "Đó là vấn đề chúng tôi chưa nghĩ hết và nghĩ cũng không thông. Chúng tôi chưa hiểu hết con người Việt Nam nên giờ chúng tôi mới ngồi ở đây". |
Anh Văn - Lộc Nguyễn