Delhi đã trở thành thủ đô ô nhiễm nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp và 62 thành phố khác của Ấn Độ nằm trong danh sách 100 nơi ô nhiễm nhất trên toàn cầu, theo báo cáo Chất lượng không khí thế giới do công ty IQAir (Thụy Sĩ) công bố mới đây.
Báo cáo IQAir ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí của 6.475 thành phố ở 117 quốc gia trong năm 2021. Dữ liệu dựa trên trạm giám sát chất lượng không khí được vận hành bởi các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Không khí tại thủ đô Ấn Độ bị xếp hạng ô nhiễm nhất với mức độ PM 2.5 cao. Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần), có thể xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, gây ra bệnh nghiêm trọng về hô hấp và tim mạch.
Thủ đô Delhi, nơi sinh sống của khoảng 32 triệu người, ghi nhận mức PM 2.5 trung bình hàng năm là 96,4 microgam/mét khối. Mức độ này gấp gần 20 lần giới hạn an toàn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo 5 microgam/mét khối, tăng 14,6% so với mức 84 microgam/mét khối năm 2020.
Bhiwadi ở phía tây bang Rajasthan (Ấn Độ) là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, tiếp theo là thành phố Ghaziabad phía đông Delhi. Delhi được xếp hạng thành phố ô nhiễm thứ tư, đồng thời nằm trong số 9 thành phố khác của Ấn Độ đứng đầu bảng xếp hạng 15 thành phố ô nhiễm nhất khu vực Trung và Nam Á.
Báo cáo IQAir cho biết: “Không có thành phố nào ở Ấn Độ đáp ứng hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO là 5 microgam/mét khối. Vào năm 2021, 48% các thành phố tại Ấn Độ vượt quá mức 50 microgam/mét khối, tương đương gấp hơn 10 lần so với khuyến cáo của WHO”.
Theo báo cáo tạp chí y khoa The Lancet, hơn 1,67 triệu người Ấn Độ đã tử vong vào năm 2019 do ô nhiễm không khí. Phần lớn miền bắc Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô Delhi, đang đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất khi bị bao phủ bởi một lớp khói bụi dày và độc hại trong nhiều tuần mùa đông. Nguyên nhân dẫn đến mức độ ô nhiễm cao là do khí thải từ xe cộ, các nhà máy nhiệt điện than, các ngành công nghiệp và việc đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Ấn Độ đã phải hứng chịu thảm họa ô nhiễm không khí suốt nhiều thập kỷ. Trong những năm gần đây, mức độ độc hại của bầu không khí đã trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của quốc gia này, đặc biệt vào mùa đông.
Các tòa án Ấn Độ, bao gồm cả Tòa án Tối cao, đã yêu cầu chính phủ thực hiện những biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm. Tòa án cấp cao nhất đã đề nghị đóng cửa trường học và chính phủ yêu cầu hàng chục nghìn nhân viên làm việc tại nhà trong một thời gian để giảm ô nhiễm do xe cộ -một yếu tố gây ô nhiễm lớn trong thành phố.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định bảng xếp hạng ô nhiễm không khí mới nhất là bằng chứng cho thấy quốc gia này chưa thực sự hiệu quả trong việc đưa ra chính sách nhằm cắt giảm nguồn phát thải độc hại.
Ấn Độ đã khởi động Chương trình Không khí Sạch Quốc gia kéo dài 5 năm vào năm 2019. Chương trình hướng tới mục tiêu giảm mức độ ô nhiễm không khí từ 20-30% so với năm 2017 tại hơn 120 thành phố.
Ông Sunil Dahiya, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cho biết: “Vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa việc xây dựng các chính sách cũng như tiêu chuẩn khí thải và việc thực hiện chúng trên thực tế”. Ông Dahiya nhận định Ấn Độ sẽ khó cải thiện chất lượng không khí nếu không cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than và dầu mỏ.
Phạm Hà Thanh (theo The National News, IQ Air)