Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết nền nhiệt cao nhất được đánh dấu vào khoảng 13h30 ngày 31/3 tại phường Chiyoda thuộc Tokyo, vượt qua kỷ lục trước đó là 25,3℃ được thiết lập vào ngày 10/3/2013. Đây là mức nhiệt cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được thống kê vào năm 1876.
Thành phố Yokohama cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong tháng 3 vào chiều 31/3, đạt 26,9℃. Trong khi đó, một vùng rộng lớn ở Kanto cũng chứng kiến mức nhiệt độ kỷ lục, bao gồm cả quận Chiba, thành phố Saitama và quận Kanagawa.
Vào lúc 3h40 ngày 31/3, nhiệt độ đã được ghi nhận ở mức 28,6℃ tại Kofu và Fuchu, Tokyo. Phường Nerima thuộc Tokyo chứng kiến nhiệt độ tăng lên 28,5℃.
Năm 2023, "ngày kiểu mùa hè" đầu tiên ở trung tâm Tokyo là vào ngày 24/3, khi nhiệt độ cao nhất được báo cáo là 25℃.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản xác nhận các mức nhiệt trên tương đương nền nhiệt được ghi nhận trong những ngày hè ở nước này.
Nghiên cứu chỉ ra, trong mỗi thập kỷ từ năm 1979 đến 2020, tốc độ di chuyển của sóng nhiệt, do sự lưu thông không khí thúc đẩy, đã chậm lại khoảng 8 km mỗi ngày. Các đợt nắng nóng hiện cũng kéo dài trung bình thêm khoảng 4 ngày.
"Điều này thực sự có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe cộng đồng", Wei Zhang, nhà khoa học khí hậu tại Đại học bang Utah, Mỹ, một trong những tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Sóng nhiệt kéo dài ở một nơi càng lâu thì con người càng đối mặt với nhiệt độ nguy hiểm ở ngưỡng đe dọa tính mạng. Trong sóng nhiệt cực đoan, khi người lao động buộc phải giảm số giờ làm việc, năng suất kinh tế cũng giảm theo. Sóng nhiệt cũng gây khô đất và thảm thực vật, gây hại cho cây trồng và làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Tiến sĩ Zhang chỉ ra, những thay đổi về tính chất của sóng nhiệt ngày càng dễ nhận thấy hơn kể từ cuối những năm 1990. Những thay đổi này phần lớn là bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra nhưng cũng có một phần là biến đổi khí hậu của tự nhiên.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Lao Động)