Một số quy định của pháp luật về vấn đề này còn chung chung, chưa cụ thể nên dẫn đến tình trạng hiểu sai, hiểu theo nhiều nghĩa dẫn đến ranh giới giữa đòi nợ công khai và đòi nợ kiểu xã hội đen chưa được rạch ròi.
Trao đổi với PV, luật sư La Văn Thái, giám đốc công ty Luật TNHH Tầm nhìn & Thịnh vượng (đoàn LS TP. Hà Nội) cho biết: "Trên thực tế có không ít những công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong quá trình hoạt động thường xuyên áp dụng các biện pháp "cực đoan" hoặc làm trái, cố ý làm trái các quy định của pháp luật để làm cho "con nợ" mất uy tín, xấu hổ hoặc sợ hãi... từ đó mà khiến cho "con nợ" buộc phải trả nợ". Chính vì vậy khi dự thảo sửa đổi phải bổ sung những quy định thật rạch ròi, cụ thể".
LS.Thái phân tích, có nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng trên nhưng chủ yếu do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Điều này đã dẫn đến tình trạng hành động cảm tính, cái gì mình cho là phù hợp là tiến hành làm mà không căn cứ theo các quy định của pháp luật. Bàn về tính pháp lý và khả thi của dự thảo sửa đổi này, LS Thái nêu quan điểm: "Theo tôi được biết, dự thảo lần này cũng không có nhiều thay đổi, tuy nhiên nó rất cần thiết nhằm đảm bảo tính pháp lý và có khả thi trên thực tế".
Luật sư La Văn Thái.
Cũng theo quan điểm của chuyên gia này, để tránh tình trạng đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" và nhiều bất cập như hiện nay thì cần phải có thêm các quy định như: Người tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có đạo đức, hiểu biết pháp luật, thậm chí phải có chứng chỉ nghiệp vụ; quy định chi tiết, rõ ràng các quy định của pháp luật liên quan tránh tình trạng hiểu sai, hiểu theo nhiều nghĩa. Bên cạnh đó cần nâng cao mức xử phạt để đủ sức "răn đe". Quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật; Có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.
Chủ nợ nhờ giang hồ, con nợ thuê “đầu gấu”
Dưới góc nhìn của lực lượng chức năng, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, đội trưởng đội Thanh tra pháp luật (văn phòng Cơ quan CSĐT, CATP. Hà Nội) cho rằng, trước đây nhiều vụ án đòi nợ thuê cũng đã được cơ quan chức năng triệt phá. Thời gian gần đây, nhiều công ty đòi nợ thuê không còn thực hiện dưới hình thức "đòi nợ thuê" mà thực hiện theo kiểu hình thức nhận "gán nợ". Sau đó, các đối tượng tiến hành những thỏa thuận về dân sự, “trói" dần nợ, gây sức ép bằng nhiều cách khác, không đến mức để bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Nhiều vụ việc, giữa chủ nợ và con nợ trước đó có quan hệ mật thiết nhưng do mâu thuẫn nợ nần đã xuống tay hết sức tàn độc. Ngược lại, nhiều "con nợ" do không có khả năng thanh toán cũng sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, tấn công chủ nợ hoặc tìm "đầu gấu" để nhờ bảo kê. Nhưng hiện nay, các công ty "thu hồi nợ" đều lách luật để đòi nợ thuê. Khi thực hiện "nhiệm vụ" đòi nợ, họ thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như liên tục đến "nhắc nợ", theo đuôi con nợ khiến cho con nợ không làm ăn được gì. "Do đó, những cơ quan thực thi pháp luật khi tham gia giải quyết vụ việc cũng cần phải có trách nhiệm, tránh tình trạng để cho những đương sự giải quyết theo con đường trái pháp luật", thượng tá Hùng nhấn mạnh.
Quy định chung chung nên khó xử lý
Một lãnh đạo PC64 (công an TP.HCM) từng thừa nhận, các quy định về dịch vụ đòi nợ thuê hiện rất chung chung nên khi vụ việc xảy ra rất khó xử lý. Như chuyện chưa có quy định đồng phục đã phát sinh nhiều phức tạp. Các công ty cho nhân viên ăn mặc rất "ngầu", cố tình khoe hình xăm để uy hiếp tinh thần con nợ. Rồi cách thức tìm đến công ty, nhà của con nợ để đòi nợ mỗi nơi mỗi kiểu, rất khó nói là "vi phạm". Những vấn đề này cần phải được cụ thể hóa thì cơ quan chức năng mới có cơ sở xử lý nhằm răn đe, giáo dục, chấn chỉnh lại loại hình phức tạp này.
BTV