“Bánh vẽ” xứ người
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai, kẻ xấu dùng lời “đường mật” vẽ ra viễn cảnh, việc nhẹ, lương cao, ăn sung mặc sướng nơi xứ người.
Nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”, bán hết nhà cửa, ruộng vườn, vượt biên trái phép. Thế nhưng, khi họ đặt chân đến "miền đất hứa” mới vỡ lẽ, bị lừa, tiền mất, tật mang, bơ vơ không nơi nương tựa, mù mịt ngày về.
Giữa cái nắng oi bức những buổi trưa ngày hè, chúng tôi ngồi trong căn nhà quây bằng tôn ọp ép, mái thủng lỗ chỗ của gia đình chị BYơm xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, đôi mắt thâm quầng đã bao đêm trằn trọc không ngủ vì nhớ thương chồng đang lưu lạc nơi xứ người, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Mở đầu câu chuyện, chị BYơm kể, cũng như các chàng trai, cô gái trong làng đến tuổi lập gia đình, chị và anh Dap, SN 1983, được hai bên gia đình tác hợp về chung một nhà.
Sau ngày cưới đất đai, ruộng rẫy không có, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chủ yếu dựa vào công việc làm thuê, ai kêu gì làm nấy.
Thời gian cứ thế trôi đi, dù cuộc sống vất vả nhưng hai vợ chồng luôn yêu thương dùm bọc nhau, hiện có hai người con, lớn 13 tuổi, nhỏ 7 tuổi.
Nói đến đây, đôi mắt ngấn lệ, chị BYơm nức nở kể, vào đầu tháng 1/2023, chồng chị không nói một lời mà âm thầm gói gém đồ đạc, cùng một số thanh niên trong làng nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu vượt biên trái phép sang Thái Lan.
Mới đây, chị nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, đầu dây bên kia là anh Dap.
Qua cuộc điện thoại ngắn ngủi, chồng chị nhắn nhủ vay tiền gửi sang để chuộc thân. Vì nhà nghèo, anh em bà con không ai có nổi mấy chục triệu cho chị vay để gửi sang chuộc anh về.
“Từ ngày chồng đi xa, mình phải bươn chải làm thuê khắp nơi để lo từng bữa ăn cho 2 đứa con. Bữa cơm hằng ngày còn không đủ ăn, mình không biết lấy tiền đâu ra để gửi qua chuộc chồng về. Mấy tháng trôi qua, mình không nhận được thêm tin tức gì từ chồng, không biết anh sống như thế nào. Mong rằng chồng mình trở về bình an đoàn tụ với gia đình, cuộc sống khổ sở vất vả thế nào cũng được, chỉ cần ở cạnh nhau là mừng lắm rồi”.
“Tiền mất, tật mang”, gia đình ly tán
Cách nhà chị BYơm không xa, là hoàn cảnh khá éo le của bà Ngun, 59 tuổi. Bà đã bao nhiêu đêm mất ngủ, lo lắng trông mong tin tức của người chồng.
Bà Ngun, kể chồng bà là Klông, 63 tuổi, đi cùng lần với anh Dap vượt biên qua Thái Lan, từ hôm đi cho đến nay vẫn biệt tăm không có tin tức gì.
"Ông ấy lẳng lặng đi trong đêm, tôi và các con không ai biết cũng không ai liên lạc được. Mãi nhiều ngày sau, khi ông Klông điện về cho người cháu qua mạng thì gia đình mới biết ông ấy đang ở Thái. Ông ấy nói: “Tôi bị lừa rồi, bên này khổ lắm, tôi muốn về” rồi tắt ngang”, bà Ngun nói trong nước mắt.
Thương chồng vất vả một đời vì các con, đến tuổi xế chiều lại phải chịu khổ nơi đất khách, bà Ngun tất tả ngược xuôi tìm cách “chuộc chồng” về.
Tuy nhiên, khi các con đã vay mượn, dành dụm đủ tiền thì cả gia đình bà lại không biết chuyển đi đâu để “chuộc chồng, chuộc cha” trở về.
Thêm vào đó, sợ lại bị lừa thêm lần nữa nên gia đình bà Ngun đã viết đơn cầu cứu chính quyền địa phương.
Theo ông Lê Quang Chức, Thôn trưởng làng Thoong Nha, đây là ngôi làng có nhiều người trốn đi Thái Lan nhất. Những người này đều là người đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin.
Ngay khi vừa mới sang Thái, họ đã tìm cách liên lạc với gia đình báo tin mình bị lừa và muốn được chính quyền can thiệp, giúp đỡ trở về quê nhà.
Cũng tin vào lời “đường mật” của kẻ xấu, chị Siu H’Puh, trú tại làng Kênh Mek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, đã bán 40 con dê được 50 triệu đồng và vay mượn thêm 30 triệu đồng chuyển cho các đối tượng để được dẫn đường vượt biên.
Thế nhưng, khi nhận được tiền các đối tượng đã cắt đứt liên lạc, khiến chị H’Puh rơi vào cảnh khó khăn túng thiếu cùng khoản nợ không biết khi nào có thể trả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Thực trạng nhóm người dân tộc thiểu số bị lừa vượt biên trái phép nổi lên vào khoảng cuối năm 2022 (thời điểm Tết).
Bởi trước đây, người dân trên địa bàn huyện thường vào Tp.HCM, tỉnh Bình Dương để làm, nhưng sau thời điểm Covid-19 các doanh nghiệp bắt đầu giảm lượng công nhân.
Cũng vì vậy số lượng người thất nghiệp trở về địa phương tương đối lớn, nên ngay khi nghe những lời dụ dỗ vượt biên làm giàu họ đã tin theo”.
Theo ông Tuấn, trong 18 trường hợp vượt biên trái phép được công an kịp thời ngăn chặn, đưa về quê nhà vào tháng 2/2023 hầu hết đều có bán tài sản.
Trong đó, có trường hợp hộ gia đình Rơ Mah Blanh (xã Ia Le) đã bán nhà, đất lấy 160 triệu đồng đưa cả gia đình gồm: vợ chồng, 2 người con, mẹ vợ và cháu vượt biên trái phép. Hiện tại, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, vất vả.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn có hơn 100 người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép sang Thái Lan.
Những hộ gia đình này đều có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc vay nợ ngân hàng, xã hội.
(còn nữa)