Ngày 25/3/2019, báo Nishinippon Shimbun và một số kênh tin tức Nhật đăng tải thông tin về Công ty cổ phần – Học viện ngoại ngữ Suginami (trụ sở tại Tokyo – Nhật Bản), thành lập năm 2014, có người đại diện mang quốc tịch Trung Quốc, bị cho là có hành vi lừa đảo 70 người Việt, mỗi người 1 triệu yên, để chuẩn bị các thủ tục sang Nhật Bản học tiếng Nhật, ngay trong tháng 4/2019 này.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Hirota Fushihara - Đồng đại diện Dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (Information Exchange for Vietnamese go to Japan (IEVJ) đã có buổi trả lời phỏng vấn độc quyền với báo điện tử Người Đưa Tin.
Ông đã có những thông tin gì về sự việc nghi là lừa đảo của Học viện Ngoại ngữ Suginami này chưa, thưa ông?
Theo báo chí và các nguồn thông tin khác, có một trường tiếng Nhật mang tên Suginami Nihongo Gakuin tuyển sinh viên của Việt Nam sang Nhật du học thông qua các công ty tư vấn tại Việt Nam. Nhưng thực tế, thì trường này không có hoạt động nào, mà chỉ lập trang web của trường trên mạng cho có vẻ là thật. Trường này không được lấy giấy chứng nhận tư cách cư trú (COE) vì nhà nước Nhật chưa cho phép. Cho đến nay gần 70 sinh viên Việt Nam bị thiệt hại vì họ đã trả học phí cho trường này khoảng mỗi người 1 triệu yên.
Là Đồng đại diện của Dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ), thời gian qua, tổ chức của ông có nhận được sự phản ánh nào về những vụ việc lừa đảo tương tự hay không?
Chúng tôi nhận được một số câu hỏi và chia sẻ về chuyện lừa đảo của trường Suginami này. Chúng tôi tư vấn cho họ cách giải quyết một cách phù hợp.
Theo ông, nguyên nhân chính nào dẫn tới sự việc lừa đảo như vậy?
Theo tôi, lượng người nước ngoài đi Nhật Bản ngày càng tăng, nên nhiều người coi đây là cơ hội kiếm tiền, trong đó có không ít người sử dụng thủ đoạn bất chính. Trong khi đó, ở Việt Nam, không ít công ty tư vấn du học cũng chưa đủ năng lực để sàng lọc thông tin, các bạn sinh viên thì càng không biết cách nào để biết thông tin nào là thông tin chính xác.
Theo quan điểm của ông thì trách nhiệm chính có phải hiện nằm ở phía các công ty tư vấn du học hay không, khi mà trong vụ này, chính vài công ty tư vấn cũng bị lừa?
Tôi nghĩ trách nhiệm lớn nhất vẫn là các công ty tư vấn du học bởi họ không tự nâng cao năng lực và trách nhiệm để bảo đảm thông tin và quyền của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. Cơ quan nhà nước là Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa phát huy được trách nhiệm của mình một cách đầy đủ.
Hiện nay mức phí mà các công ty môi giới thu của du học sinh thường rất cao, trung bình khoảng 200 triệu đồng (khoảng 1 triệu yên). Mức chi phí này có đúng như thực tế hay không?
Học phí của các trường tiếng Nhật ở Nhật rất đa dạng. Mức học phí 1 năm thường chỉ là 100 triệu đến 120 triệu đồng, chứ 200 triệu đồng thì quá cao. Nhưng vấn đề không chỉ là học phí là bao nhiêu, mà chúng ta cần phải xác định thông tin chính xác là học phí của bên Nhật là bao nhiêu, bằng cách tự tìm kiếm thông tin đó với tư duy và trí tuệ của mình.
Thưa ông, những người Việt Nam cần có nhận thức thế nào trước khi nộp tiền để du học Nhật Bản?
Tôi cho rằng, việc du học là việc mà các bạn Việt Nam tự giải quyết và tự thực hiện được, không cần phải thông qua công ty tư vấn du học. Các bạn nên học và biết tiếng Nhật trước, rồi tự tìm thông tin của bên Nhật bằng cách truy cập internet để tìm hiểu các thông tin của các trường, các thủ tục về Visa, sau đó tự soạn hồ sơ và gửi cho trường nào mà mình đã tìm kiếm và thấy phù hợp. Hầu như không cần công ty tư vấn du học đối với những người như vậy. Tôi nghĩ càng ỷ lại người khác càng có khả năng cao mà gặp trục trặc.
Trong hợp đồng kí kết với phía công ty môi giới, người muốn đi du học cần phải quan tâm nhất tới các vấn đề nào, thưa ông?
Thứ nhất là chúng ta không nên trả tiền đặt cọc và không nên chấp nhận có quy định đó trong hợp đồng. Thứ hai, không nên trả trước nhiều tiền vì sau này nếu có trục trặc thì khi đòi lại sẽ rất tốn thời gian, công sức mà nhiều công ty tư vấn vẫn trốn tránh. Và nên xác định rõ các loại tiền mình trả cho việc gì, ghi rõ trong hợp đồng để sau này nếu có chuyện gì xấu, thì có thể dùng điều này làm chứng cớ trong việc khởi kiện. Và cuối cùng là khi các bạn trả tiền, thì nhất thiết phải lấy hóa đơn, có ký tên của người đại diện công ty.
Cảm ơn ông Hirota Fushihara đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin!
Hạnh Mỹ - Nguyễn Quốc (thực hiện)