"Mỏ vàng" mọc khắp Việt Nam
Tam giác mạch là một loại cây trồng có nguồn gốc từ Trung Á, đã được người dân Việt Nam trồng từ lâu. Loại cây này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của nhiều vùng miền.
Tại Việt Nam, tam giác mạch có khá nhiều công dụng: hạt nghiền thành bột để ăn, nấu cháo, làm bánh. Quả và lá tam giác mạch có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, đây là thực phẩm lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, mỡ máu cao và đái tháo đường vì có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết và hạ mỡ máu.
Ngoài ra, tam giác mạch còn là một vị thảo dược quen thuộc trong Đông y, trong đó phần rễ có giá trị dược liệu cao nhất nên phải thận trọng khi thu hoạch, tránh để bộ rễ bị tổn hại và duy trì được khả năng tái sinh của cây. Ngoài ra, thân và lá tam giác mạch cũng có thể vừa dùng làm thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa (đầy bụng, viêm, đau dạ dày), vừa dùng như thực phẩm.
Theo Đông y, tam giác mạch vị chát, hơi ngọt, tính bình; vào các kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng. Chất rutosid có trong tam giác mạch có tác dụng giống vitamin Pm giúp tăng độ chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch, đồng thời hỗ trợ lợi tiểu.
Với những giá trị tuyệt vời của mình, tam giác mạch đã trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Ở Trung Quốc, 1kg tam giác mạch có giá lên đến hơn 200 NDT (681.000đ)/kg. Ở nước ta, tam giác mạch còn được chế biến thành nhiều sản phẩm độc đáo như bánh tam giác mạch, rượu tam giác mạch với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)