Chúng tôi xin đăng bức thư của nhà báo Vũ Khắc Sơn để trao đổi cùng tác giả Huyền Chip và bạn đọc.
> Huyền Chip: Trai Việt có ai dám yêu em không?
Em ạ, anh đàn ông Việt!
Anh vừa đi làm về, em ạ! Khuya lắm rồi. Ngồi nhai cơm nguội vợ để phần. Cơm này vợ anh nấu đấy em ạ. Phải nhấn mạnh như thế, vì bây giờ, có nhiều cô vợ chẳng thích nấu cơm cho chồng ăn. Mà đàn ông bọn anh thật lạ, ăn phở mãi, ăn sơn hào hải vị nhiều nhưng vẫn thích ăn cơm vợ nấu.
Lại nói về khoản nấu nướng, có chuyện này mà anh nhớ đến tận giờ. Các cụ mình thường bảo: "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ mãi", nhưng cái chuyện anh kể với em ở đây không biết thuộc thể loại nào. Số là, cái thuở ban đầu anh mới lưu luyến cô bạn gái sau này thành bạn đời thì mẹ đột nhiên về quê có việc.
Bà gọi bạn gái sang và bảo: "Bác về, cháu sang nấu cơm cho Sơn ăn nhé!". Không hiểu do xúc động vì được trao trọng trách hay lý do nào đó mà nàng đỏ bừng mặt, song vẫn khẳng khái nhận lời. Bữa đầu tiên cơm bạn gái nấu đúng là "thảm họa cơm Việt", em ạ. Miếng thịt lợn được gái thái cỡ to bằng nửa bàn tay và chao ôi là dày.
Anh vốn thuộc tuýp người tham ăn, lười lao động nên hơi bị biết về ẩm thực. Gọi là kỹ tính cũng đúng. Lúc đó, chỉ dám thở dài và tự động viên mình "âu cũng là cái liễn" để cố gắng nuốt trôi món ăn nàng nấu.
Em ạ, sau một thời gian làm "chuột bạch", giờ anh cũng được ăn những món khá tươm. Thấy vui và thấy có trách nhiệm phải về mỗi khi vợ trực tiếp lao vào bếp trổ tài. Lại nói đến chuyện phải về. Anh có những người bạn rất thành đạt. Một trong những công việc thường ngày của họ là tiếp khách trên bàn tiệc.
Chắc có lẽ, con đường từ dạ dày đến trái tim là gần nhất nên người ta hay đàm phán trên bàn tiệc. Thế mà, anh bạn đó luôn luôn có thói quen để dành bụng về ăn cơm vợ nấu. Rồi, mới đây, báo có đăng tại Quảng Ninh, ông trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" có một thói quen rất… đáng ghét là chỉ ăn cơm vợ nấu.
Đàn ông Việt rất trọng gia đình
Ơ, buồn cười nhỉ, sao đàn ông Việt lại thích ăn cơm vợ nấu đến thế? Sao đàn ông Việt lại cảm thấy tự hào khi được tiếp bạn bè bằng những món ăn do chính vợ mình nấu? Ừ, chắc em sẽ nghĩ, đàn ông Việt bọn anh toàn là một lũ ích kỷ, gia trưởng. Rằng, các ông cứ thỏa mãn cái tôi vòi vọi và sự ích kỷ đến tận cùng của mình bằng mồ hôi, sự hy sinh của phụ nữ chúng tôi. Rồi, em sẽ tự nhủ, sao các ông không tự lao vào bếp, làm những món ăn ngon để thết đãi bạn bè?
Bởi, nói cho cùng, đàn ông và đàn bà bình quyền. Có lẽ điều đó là do văn hóa, do phong tục của dân tộc mình khác với phương Tây nên đàn ông thường gia trưởng. Nhưng em ạ, nói một câu rất thật lòng: Hạnh phúc của anh giản dị lắm và ưu thế tuyệt đối của vợ với phần còn lại đôi khi chỉ là một bữa ăn ngon.
Viết đến đây, anh lại nhớ tới chuyện ngày xưa. Hồi đấy, mỗi lần anh hư, mẹ lại mắng rằng: "Cái ngữ mày sau này mà nuôi được vợ con, tao chớ kể!". Lúc đó, anh tự nhủ, nuôi con thì đúng rồi, nhưng sao phải nuôi vợ, bởi nam nữ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ? Bây giờ, khi đã là chủ gia đình, anh hiểu ra rằng, anh cũng chỉ là thằng đàn ông Việt. Một thằng đàn ông khi đã sinh ra ở trên cõi đời này thì phải gánh trên vai sứ mệnh của phái mạnh, của kẻ phải toan lo, chở che cho người phụ nữ và những đứa con của mình.
Hồi nhỏ, có lần mẹ lệnh cho anh lên Hà Nội lấy tiền về đóng thuế nông nghiệp. Sáng hôm sau, bố con anh về quê. Bố lấy những xấp tiền lẻ được cất kỹ lưỡng ở dưới đáy tủ cho vào chiếc xô bằng tôn và phủ lên đó những mấy cái dây thừng được ông nhặt ở sân ga. Bố bảo: "Có mẹ thì mình đi xích lô ra bến xe. Hôm nay, ta đi bộ con nhé. Đàn ông thì vất vả một tí!". Thế là cuốc bộ mấy cây số ra bến xe. Trên đường đi, trong đầu anh cứ vang lên câu nói của bố: "Có mẹ thì ta đi xích lô. Đàn ông thì vất vả một tí!".
Thế đấy em ạ, dù vật đổi sao dời thì bọn anh vẫn là đàn ông Việt. Vẫn gia trưởng, đáng ghét nhưng đôi khi cũng rất đáng yêu, bởi quan niệm đàn ông phải vất vả, phải toan lo, che chở. Đấy là anh nghĩ thế, hoặc giả là vợ anh, một phụ nữ cả tin nên mới nói thế.
Còn rất nhiều điều anh muốn trao đổi cùng em, nhưng đã đến lúc đi làm, anh không thể trễ giờ, vì cơ quan trả lương cho anh để anh chăm mẹ anh, nuôi vợ con anh. Vì thế, hẹn em thư sau nhé!
Vũ Khắc Sơn