Trao đổi với báo Giao thông ngày 22/11, ông Trần Văn Đức, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn (Công ty CP cấp nước Sơn La) xác nhận việc nguồn nước của nhà máy ô nhiễm và chưa thể biết chính xác khi nào nhà máy có thể hoạt động được.
Theo thông tin từ Công ty CP Cấp nước Sơn La, từ đầu tháng 11 tới nay, trạm cấp nước Nà Sản, Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn phải ngừng hoạt động 2 lần. Lần 1 từ 5h30 phút ngày 12/11 đến 15h30 ngày 13/11.
Lần 2 từ 5h ngày 18/11 đến nay, thời gian vận hành cấp nước trở lại chưa biết, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, từ 7h30 ngày 19/11, nguồn nước nặng mùi và đen hơn. Do vậy, nhà máy vẫn chưa thể xử lý để cấp nước phục vụ ổn định cho khách hàng.
Theo thông báo, số khách hàng bị ảnh hưởng trên 2.000 hộ. Hiện nay, Công ty cấp nước Sơn La và Xí nghiệp nước huyện Mai Sơn đang xử lý bằng cách đưa nước từ các nhà máy lân cận để ứng phó được khoảng 1.200 hộ. Tuy nhiên dù biện pháp đó có khả quan thì vẫn còn khoảng 800 hộ khách hàng các khu vực thuộc xã Hát Lót và thị trấn Hát Lót sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tạm ngừng cấp nước.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã chỉ đạo Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn tổ chức kiểm tra các khu vực lân cận, trong phạm vi khu vực xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, bản Mạt của huyện Mai Sơn… Qua đó, có nhiều cơ sở chế biến cà phê xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường.
Trả lời báo Tài Nguyên và Môi trường, ông Lò Văn Thanh - một chủ cơ sở có công suất khoảng 20 tấn/ngày tại bản Mạt (xã Chiềng Mung) cho biết, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến về bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê, hộ gia đình đã chủ động đào các bể chứa nước thải có lót bạt HDPE.
Song cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý mà chỉ lưu chứa nước thải vào các bể chứa. Tại cơ sở này có hiện tượng xả nước thải chưa xử lý ra khu vực ruộng xung quanh.
Ngày 21/10/2019, cơ sở đã bị UBND huyện Mai Sơn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.
Chính quyền yêu cầu trong thời gian 5 ngày cơ sở của ôngThanh buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Tuy nhiên, chiều 20/11, cơ sở vẫn đang hoạt động sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, chưa có biện pháp xử lý nước thải đạt chuẩn.
Đoàn liên ngành đã yêu cầu cơ sở dừng hoạt động, chấp hành nghiêm các biện pháp quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 7 ngày (hoàn thành trước 27/11/2019).
Theo VOV, tình trạng ô nhiễm này cứ tái diễn năm này qua năm khác, nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thì chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc khắp nơi, nhưng nghiêm trọng hơn là nguồn nước ngầm trong lòng đất cũng bị ô nhiễm.
Việc phát triển cây cà phê giúp địa phương giải bài toán về kinh tế, xóa đói giảm nghèo, song nếu bài toán môi trường bị bỏ ngỏ, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng sẽ tiếp tục đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Bá Di (tổng hợp)